Khi có thêm nguồn lực tài chính, cộng với cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hai hệ thống của DIV và ngân hàng thì mới tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống DIV thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ của mình.
Nên được hỗ trợ thanh khoản cho quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và tham gia các đoàn thanh tra giám sát tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; được tạo cơ chế gia tăng nguồn lực tài chính là những ý kiến tại buổi tọa đàm về phối hợp thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi với ngân hàng sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực.
Ngày 16/9, tại Vinh (Nghệ An), Chi nhánh cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) khu vực Bắc miền Trung tổ chức tọa đàm với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 7 tỉnh từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế, nhằm triển khai hoạt động phối hợp thực hiện chính sách theo Luật bảo hiểm tiền gửi mới có hiệu lực ngày 01/01/2013.
“Là con một nhà”
Báo cáo tại buổi tọa đàm của ông Trần Văn Lam, Giám đốc chi nhánh DIV khu vực Bắc Trung Bộ cho biết, chi nhánh được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý khách hàng trên địa bàn 7 tỉnh từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế, gồm: 227 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, 1 ngân hàng thương mại cổ phần; 118 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I; trong đó có 45 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối vốn và 69 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 4 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã.
Tính đến nay, chi nhánh đã cấp mới 96 chứng nhận, cấp đổi 236 lượt chứng nhận, cấp lại 2 chứng nhận, cấp bổ sung 23 chứng nhận và thu hồi 5 chứng nhận.
Cùng đó, tính đến 30/6/2014, đã giám sát 227 số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với tổng nguồn vốn hoạt động: 67.101,476 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động là 51.340,457 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay là 43.199,324 tỷ đồng.
Sỡ dĩ tọa đàm đặt vấn đề “phối hợp chính sách” là vì ngoài việc triển khai những nội dung mới theo luật bảo hiểm tiền gửi nhưng còn một lý do khác khá tế nhị là cũng chính thức nói lời kết cho ý tưởng lãng mạn của một thời kỳ trước đó, rằng: DIV là cơ quan độc lập với ngành ngân hàng; thay vào đó, kể từ nay, hoạt động của hệ thống DIV hoàn toàn nằm trong hệ thống quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và giữa hai hệ thống, phải thiết lập cơ chế phối kết hợp chặt chẽ.
Thế nên, trong buổi họp gần đây để giao nhiệm vụ cho DIV khi đón một số nhân sự cấp cao mới, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ: “Chúng ta là con một nhà”.
Nhưng làm sao để là “con một nhà” nếu cơ chế phối hợp chưa thực sự tốt và vẫn duy trì nếp làm việc giữa hai hệ thống như trước đây? Về vấn đề này, ông Trần Văn Lam cho biết thêm, hiện đang tồn tại một số vướng mắc như các văn bản liên quan chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ trong việc phối hợp trao đổi chia sẻ thông tin cũng như kết quả thanh tra, giám sát giữa chi nhánh trong hệ thống DIV và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, kể cả khi luật mới được ban hành.
Cùng đó, chế tài xử phạt của DIV về việc chấp hành các quy định Luật bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhất là Quỹ tín dụng nhân dân mới chỉ mang tính nhắc nhở, thiếu các biện pháp nghiêm khắc.
Do vậy, những hành vi vi phạm luật như chưa hoàn thiện hồ sơ đã gióng trống mở cờ khai trương rầm rộ, triển khai huy động tiền hoặc chậm nộp báo cáo, nộp báo cáo không đầy đủ… ở các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vẫn còn phổ biến.
Gỡ vướng mắc và gia tăng năng lực
Trước một số vướng mắc được nêu ra tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng, trước hết, việc đưa cán bộ của hệ thống DIV tham gia các đoàn thanh kiểm tra tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn hiện nay là điểm mới và cần thiết.
Ở một số chi nhánh tại khu vực Hà Nội đã triển khai theo hướng này nhưng vì chưa có hướng dẫn chi tiết nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhiều địa phương khác chưa thể thực hiện.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên có chỉ đạo kịp thời. Thực tế cho thấy, lực lượng thanh tra, kiểm tra ở địa phương hiện rất mỏng, nếu có sự phối hợp nhân lực từ phía hệ thống DIV sẽ rất hiệu quả.
Thứ hai, từ khi Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực từ 1/1/2013 và đến 26/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 68 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thì đến nay mới chỉ có một Thông tư 24 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Mặc dù kỳ vọng nhiều nhưng Thông tư 24 cũng mới chỉ gói gọn ở các nội dung cấp giấy chứng nhận, thu nộp phí, thủ tục chi trả, mở tài khoản và hoạt động mua tín phiếu.
Trong khi đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi cụ thể như thế nào để tham mưu cho Chính phủ thì đến nay vẫn chưa có và vì thế vẫn chỉ áp dụng mức cũ là 50 triệu đồng/món gửi, được cho là rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trên cơ sở này, DIV cần chủ động đề xuất hạn mức bảo hiểm một cách cụ thể.Vậy, bao nhiêu thì phù hợp với năng lực chi trả của hệ thống DIV và khả năng đóng phí của các tổ chức tín dụng? Đó vẫn là câu hỏi chưa có trả lời.
Thứ ba, liên quan đến mức phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp của tổ chức tín dụng, một vài ý kiến cũng cho rằng, luật đã hoàn toàn mở khung theo hướng dựa trên căn cứ xếp loại từng tổ chức tín dụng nhưng đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa.
Có thể điều này còn phụ thuộc vào việc tính toán nhiều chiều do mức đóng phí của từng tổ chức tín dụng là khác nhau trên cơ sở diễn biến thanh khoản từng đơn vị ở từng thời điểm.
Tuy nhiên, đây lại là điểm khá nhạy cảm vì nếu người gửi tiền biết được mức phí đóng bao nhiêu, sẽ biết tình hình thanh khoản của tổ chức tín dụng là “yếu” hay “khỏe”. Và nếu “yếu”, họ sẽ không gửi, hoặc hạn chế gửi, làm xấu thêm tình hình thanh khoản của tổ chức tín dụng.
Thêm một trăn trở nữa, hiện nay, theo Luật bảo hiểm tiền gửi, tiền nhàn rỗi của hệ thống DIV chỉ được mua tín phiếu và gửi lại Ngân hàng Nhà nước; không cho phép cho vay hỗ trợ thanh khoản, dù trước đây luật không cấm.
Theo phản ánh của giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ở một số địa phương, trên một số địa bàn ở một số thời điểm nhất định, có không ít quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vướng vào tình trạng bị người dân rút tiền hàng loạt trong khi tiền nhàn rỗi của hệ thống DIV lại nằm mốc trong kho.
Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, trước thực tế các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ngoài việc phải đóng 0,08% tổng dư nợ về Quỹ bảo toàn hệ thống thì còn phải gửi 3% số tiền/tổng nguồn huy động để “duy trì tiền gửi tối thiểu” tại Co-opBank nhằm hỗ trợ thanh khoản. Đây là những gánh nặng chi phí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các quỹ.
Nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép, hệ thống DIV sẽ tham gia cho vay hỗ trợ thanh khoản đối với các quỹ. Làm như vậy sẽ công bằng hơn cho hệ thống quỹ tín dụng: đóng phí tại nhiều nơi, phải được nhiều nơi hỗ trợ, qua đó hạn chế nguy cơ đổ vỡ quỹ tín dụng.
Khi có thêm nguồn lực tài chính, cộng với cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hai hệ thống của DIV và ngân hàng thì mới tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống DIV thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, thoát khỏi tình trạng bị mang tiếng ra đời đã 15 năm nay nhưng vai trò của DIV còn mờ nhạt đối với thực tiễn đời sống của các tổ chức tín dụng.