Bảo hiểm nông nghiệp: Lỗ… nhưng cần tiếp tục thí điểm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chính thức về việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua báo cáo kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thì các địa phương, nông dân mong muốn tiếp tục thực hiện hoặc mở rộng Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Vì vậy, Phó Thủ tướng có ý kiến chưa nên kết thúc thí điểm ngay Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp khi Bộ Tài chính chưa đề xuất hướng triển khai sắp tới.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất định hướng triển khai loại hình bảo hiểm này. Trong khi nghiên cứu chính sách mới, hai bộ này và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp và các địa phương.

Đánh giá của Bộ Tài chính sau khi kết thúc chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn (2011 - 2013) cho thấy, việc triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp thời gian qua là một trong những giải pháp hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, thông qua thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản theo hướng hiện đại hóa. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành nông nghiệp mong muốn đạt được để tiến tới sản xuất hàng hóa toàn diện...

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định đối với những doanh nghiệp bảo hiểm triển khai loại hình bảo hiểm này. Cụ thể, về vấn đề nhân sự, mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm nông nghiệp, nhưng so với yêu cầu triển khai vẫn còn mỏng, nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi địa bàn triển khai rộng, phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như giám sát rủi ro.

Trong khi đó, nhiều hộ dân tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn tham gia mang tính chất thăm dò (tham gia ít hoặc không tham gia), hoặc lựa chọn các đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia. Điều này gây khó khăn cho công tác thí điểm với nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Trong quá trình triển khai, có những thời điểm tổn thất xảy ra với quy mô lớn, đồng loạt trên phạm vi rộng (nhất là trong lĩnh vực thủy sản) khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính để bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã rất nỗ lực, cố gắng giải quyết bồi thường, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người tham gia bảo hiểm sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất.

Theo báo cáo sơ bộ của các cơ quan chức năng, hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp bị lỗ hơn 22 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm thủy sản chiếm tỷ lệ lớn.

Được biết, sau khi tổng kết giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duy trì bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, đối với trồng trọt: chọn những “cánh đồng lớn” để triển khai bảo hiểm nông nghiệp; đối với chăn nuôi, bảo hiểm đối với những trang trại và những hộ gia đình chăn nuôi có quy mô đàn tương đối lớn; đối với thủy sản (tôm/cá), Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục thí điểm đến hết năm 2015, điều chỉnh quy mô sản xuất được lựa chọn tham gia bảo hiểm.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, doanh nghiệp đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về việc tiếp tục triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp cụ thể theo hình thức nào.

Về phía doanh nghiệp, các phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp phải được xây dựng trên nguyên tắc chung là đánh giá, tính toán từ nhiều yếu tố như: chính sách ưu đãi của Nhà nước, các kết quả đã đạt được trong giai đoạn thí điểm...

Vị đại diện này cũng cho biết, trong mọi phương án, vấn đề hiệu quả trong việc triển khai mỗi loại hình bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu để có thể tiếp tục đi đường dài với loại hình bảo hiểm này.