Bảo hiểm liên kết ngân hàng: Người lao vào, kẻ đứng ngó!

ĐTCK từng phản ánh tình trạng“Đột biến bảo hiểm liên kết với ngân hàng” (khối nhân thọ), “Bảo hiểm bán qua ngân hàng: phi nhân thọ ghi dấu ấn” (khối phi nhân thọ), ghi nhận sự thành công nhất định của các DN bảo hiểm khi triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Thế nhưng, hiện có 11 DN bảo hiểm đứng ngoài cuộc.

Ngân hàng thích bảo hiểm, bảo hiểm thích ngân hàng

Theo tổng hợp của ĐTCK, tính đến thời Theo tổng hợp của ĐTCK, tính đến thời điểm này, tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, có 23/29 DN hợp tác phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance). Ở khối bảo hiểm nhân thọ, con số này là 12/17. Trong đó, hầu hết DN bảo hiểm có vốn góp của ngân hàng đều triển khai bancassurance như khối phi nhân thọ có ABIC, BIC, MIC, Bảo Ngân; khối nhân thọ có VCLI, VietinBank Aviva, Metlife.

4 ngân hàng quốc doanh hoặc có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều có DN bảo hiểm do các ngân hàng này sở hữu chi phối hoặc liên doanh. Vietcombank có VCLI; Agribank có ABIC. 2 ngân hàng còn lại có DN bảo hiểm riêng ở cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ: VietinBank có Vietinbank Avia và Bảo Ngân; BIDV có Metlife và BIC. Kênh bancassurance chính là kênh bán hàng chủ đạo của các DN bảo hiểm này. Không ít ngân hàng thương mại cổ phần như MB, Bảo Việt, SHB… cũng thành lập DN bảo hiểm.

Ở khối phi nhân thọ, các DN bảo hiểm không trực thuộc ngân hàng chủ yếu hợp tác với các ngân hàng không có DN bảo hiểm con trong khối như Vietcombank, OceanBank, ABBank…

Một số DN bảo hiểm chưa triển khai bancassurance cho biết, DN đang lên phương án hợp tác với một ngân hàng không có DN bảo hiểm, chứ không làm cùng một lúc với nhiều ngân hàng.

Cán bộ phụ trách bancassurance của một DN bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, do khó chen chân vào các ngân hàng có công ty bảo hiểm trực thuộc, nên DN đang tính đến triển khai bancassurance với các ngân hàng "ngoại đạo" (không có DN bảo hiểm) như ABBank, Ocean Bank…

11 DN đang đứng ngoài cuộc

Hiện tại, ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, có 6/29 DN chưa hợp tác phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng gồm: BV Tokyo Marine, Cathay, Groupama, QBE, Samsung Vina, UIC, VASS, XTI. Ở khối bảo hiểm nhân thọ, con số này là 5/17, đó là: Cathay, Fubon, Great Eastern, Korea Life, PVI Sun Life.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số DN chưa triển khai bancassurance cho biết, mỗi DN bảo hiểm đều có xuất phát điểm khác nhau nên chiến lược hoạt động được hoạch định ngay từ khi mới thành lập cũng khác nhau. Với các DN bảo hiểm trực thuộc ngân hàng thì triển khai bancassurance là tất yếu. Với các DN khác, bancassurance đã và đang được đẩy mạnh, nhưng không ít DN chưa có ý định hợp tác với ngân hàng.

"Không rõ khối bảo hiểm nhân thọ ra sao, chứ với riêng khối bảo hiểm phi nhân thọ thì nguyên nhân trực tiếp không làm bancassurance vẫn nằm ở việc không có ngân hàng mẹ đỡ đầu (công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng). Mối quan hệ giữa lãnh đạo DN bảo hiểm với lãnh đạo ngân hàng chưa được thiết lập hoặc đang có khoảng cách", lãnh đạo một DN bảo hiểm nói.

Ở khối phi nhân thọ, số DN không làm bancassurance chủ yếu là DN bảo hiểm nước ngoài, do có một số lý do "tế nhị". Trong khi đó, DN có sức mạnh nội tại nên DN sẽ tự khai thác bảo hiểm, chứ không chọn bán qua ngân hàng. Ghi nhận từ PVI Sun Life, việc Công ty chưa bán bảo hiểm qua ngân hàng, chỉ bán qua kênh đại lý và bán trực tiếp bảo hiểm cho các khách hàng DN là do thời điểm chưa phù hợp. Công ty đang tập trung phát huy thế mạnh trong việc bán bảo hiểm cho các khách hàng DN.

Đại diện Samsung Vina (SVI, do Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc góp 75% vốn) cho hay, ở thị trường một số nước, trong đó có Hàn Quốc, không có tình trạng DN bảo hiểm chi "hoa hồng", nên đó là một trong những lý do khiến Samsung Vina tự bán sản phẩm, không phải qua kênh phân phối nào.

Đại diện một DN khác cho rằng, bancassurance được xem là kênh bán bảo hiểm tiềm năng, nhưng trong tương lai gần, triển vọng chưa rõ ràng, nhất là với khối bảo hiểm nhân thọ. Do đó, DN chần chừ chưa tiếp cận bancassurance, nhất là khi doanh thu từ bancassurance đang tập trung vào 5 DN, DN mới sẽ khó giành được thị phần.

Theo một cán bộ tín dụng ngân hàng, ngân hàng chủ động mời DN bảo hiểm hợp tác bancassurance, nhưng phía bảo hiểm nói không với những lý do tương tự như đã nêu trên. Ngoài ra, DN cho rằng, khung pháp lý về bancassurance (Thông tư 151/2012/TT-BTC) chưa hoàn thiện, nhất là các quy định dành cho khối bảo hiểm phi nhân thọ.