Lễ ký biên bản ghi nhớ để ra mắt Ngân hàng AIIB tại Bắc Kinh hôm 24-10 |
Đằng sau ngân hàng này là những ý định gì của Bắc Kinh?
Tháng 10-2013, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến viếng thăm chính thức Indonesia. Tại Quốc hội Indonesia (lần đầu tiên đón lãnh đạo nước ngoài phát biểu), ông Tập đã khiến cả các quan chức ở Bắc Kinh cũng bị bất ngờ (theo tờ Economist) khi thông báo sẽ thành lập AIIB.
Ở thời điểm đó, các nhà đàm phán Hiệp ước TPP do Mỹ chi phối hi vọng có thể đạt được một thỏa thuận để các lãnh đạo ra được một tuyên bố. Những gì diễn ra sau đó không đi theo kịch bản mà Washington mong đợi: Tổng thống Barack Obama không thể dự APEC vì Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, thỏa thuận TPP không đạt được.
Vắng tổng thống Mỹ, ông Tập được coi là chi phối hoàn toàn tại APEC, và một loạt hội nghị sau đó phản ánh ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh.
Trung Quốc cảm thấy họ không thể làm được bất cứ việc gì ở WB hay IMF nên muốn thiết lập một ngân hàng thế giới riêng mà họ có quyền kiểm soát. |
Bản ghi nhớ ký trước APEC
Tại Bắc Kinh hôm 24-10, ông Tập cùng đại diện 20 nước (trong đó có Việt Nam, Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN) đã cùng ký bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB và sẽ thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này. Số vốn ban đầu của AIIB, phần lớn từ hầu bao của Bắc Kinh, sẽ là 50 tỉ USD, với cam kết sớm tăng lên 100 tỉ USD. AIIB dự kiến chính thức hoạt động vào năm tới.
Đây là ngân hàng phát triển quốc tế thứ hai mà Trung Quốc thành lập trong năm nay. Hồi mùa hè, Ngân hàng phát triển BRICS (của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã được thành lập và trụ sở sẽ đặt tại Thượng Hải, với số vốn 50 tỉ USD cùng cam kết sớm được tăng lên gấp đôi cũng đến phần lớn từ Bắc Kinh.
Sau Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tập trung vào an ninh - chính trị, Diễn đàn kinh tế Bắc Ngao tập trung vào kinh tế kiểu mô hình Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và với BRICS, giờ Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á và tìm cách giảm ảnh hưởng của phương Tây tại các thể chế tài chính quốc tế.
Theo giới quan sát, Bắc Kinh thành lập AIIB và Ngân hàng BRICS nhằm thay thế dần trật tự hệ thống tài chính quốc tế vốn đang bị Mỹ và phương Tây chi phối. Đối thủ của AIIB và Ngân hàng BRICS chính là Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chịu ảnh hưởng lớn của Nhật.
Dù nguồn vốn ban đầu của AIIB và Ngân hàng BRICS chỉ là 50 tỉ USD (so với 223 tỉ USD của WB hay 175 tỉ USD của ADB), nhưng nó sẽ là đối trọng đáng kể đối với WB và ADB khi tăng vốn lên gấp đôi như kế hoạch.
Bắc Kinh từ lâu tìm cách thúc đẩy các cải cách tại WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ADB nhằm tăng quyền bỏ phiếu và ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm.
Financial Times hồi tháng 6 trích lời một quan chức liên quan việc thành lập AIIB nói: “Trung Quốc cảm thấy họ không thể làm được bất cứ việc gì ở WB hay IMF nên muốn thiết lập một ngân hàng thế giới riêng mà họ có quyền kiểm soát”.
Thách thức với Bretton Woods
Trả lời Financial Times, Matthew Goodman, chuyên gia tại Trung tâm CSIS ở Washington DC, gọi AIIB và Ngân hàng BRICS là “thách thức nghiêm trọng về thể chế đầu tiên đối với trật tự kinh tế từng thiết lập tại Bretton Woods hơn 70 năm trước”.
Dù vậy, ông Goodman hiện chưa rõ các ngân hàng mới này có thể đóng góp gì cho nền kinh tế toàn cầu, “thậm chí lợi ích của các nước đang cổ xúy các ngân hàng này”.
Washington tuyên bố chính thức không ủng hộ định chế tài chính nào không đáp ứng các tiêu chí về môi trường, mua sắm hoặc thậm chí tiêu chuẩn nhân quyền, như cách WB và ADB đang làm hiện tại.
Trả lời báo giới hôm 23-10, chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói ông hiểu về việc thành lập AIIB, nhưng không hoan nghênh việc thành lập này. Trung Quốc coi đây là nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh tăng ảnh hưởng của mình.
“Các bạn có thể coi đây là trận chơi bóng rổ mà Mỹ muốn đưa ra quy định về cả thời gian đấu, kích thước sân, chiều cao của rổ, mọi thứ theo đúng ý họ” - cựu thứ trưởng thương mại Wei Jianguo (Ngụy Kiến Quốc) nói.
Ngay trước khi AIIB được thành lập, Mỹ và Trung Quốc đã chơi trò “mèo vờn chuột” để lobby việc thành lập và chống thành lập. Bắc Kinh bị cáo buộc cung cấp thông tin nửa vời theo kiểu “nhiều nước châu Âu đã đồng ý với việc thành lập AIIB”, trong khi Washington ngấm ngầm gây sức ép với các đồng minh để cản họ không tham gia AIIB.
Tại buổi lễ ký bản ghi nhớ vừa rồi vắng mặt đại diện của Hàn Quốc, Indonesia và Úc. Giới quan sát coi đây là thất bại của nước chủ nhà vì các nước tham gia còn lại chủ yếu không mạnh và đa số sẽ là người vay nợ từ chính AIIB.
Indonesia cho biết họ không tham gia vào lúc này vì chính phủ mới chưa có thời gian xem xét đề xuất của Trung Quốc. Chính trường Úc đang tranh cãi kịch liệt về chuyện tham gia hay không. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng tài chính Choi Kyung Hwan cho biết Seoul sẽ chỉ tham gia nếu như AIIB đáp ứng một số tiêu chuẩn quốc tế nhất định, như tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được vay.
“Nếu các vấn đề này không được giải quyết, chẳng có lý do gì để chúng tôi tham gia cả” - ông Choi tuyên bố.
Bắc Kinh cho đến giờ vẫn giải thích AIIB lập ra để hỗ trợ chứ không phải cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế khác. Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei (Lâu Kế Vỹ) đã giải thích AIIB “chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng”, trong khi WB và ADB “đặt nhiều trọng tâm vào giảm nghèo hơn”.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao bác bỏ quan điểm này khi cho rằng đó là sự hiểu lầm và rằng trọng tâm phần lớn của ADB cũng chính là phát triển hạ tầng.
Wang Yong (Vương Dũng), giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế của ĐH Bắc Kinh, nói việc Trung Quốc hợp tác với các nước để lấp khoảng trống về phát triển hạ tầng là điều tự nhiên. Nhu cầu vốn về đầu tư hạ tầng của thị trường cũng rất lớn.
Năm 2011, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có báo cáo ước tính nhu cầu phát triển hạ tầng toàn cầu trong hai thập kỷ sẽ lên tới 50.000 tỉ USD.
ADB tính toán nhu cầu phát triển về hạ tầng của châu Á sẽ là 8.000 tỉ USD từ năm 2010-2020 (trung bình mỗi năm khu vực cần khoảng 800 tỉ USD), trong khi số vốn của ADB hiện khoảng 167 tỉ USD và tiền cho vay đầu tư hạ tầng hằng năm chỉ khoảng 10 tỉ USD.
Tổng vay của các tổ chức tài chính quốc tế trong năm năm qua thực tế đã giảm dần. Cả WB lẫn ADB giờ tập trung nhiều hơn vào tín dụng mềm và chuyển giao công nghệ nên phát triển hạ tầng là một mảng mà AIIB có thể chen chân vào.
Ngay lúc này, phần hạ tầng mà AIIB muốn đầu tư cũng lấy Trung Quốc làm trung tâm như xây dựng vành đai tơ lụa ở Trung Á (một trong vài hệ thống đường tơ lụa mà Bắc Kinh muốn xây), đường sắt nối Bắc Kinh - Baghdad, vành đai kinh tế Trung Quốc - Pakistan, vành đai kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Bangladesh - Myanmar (CIBM)...
Sức mạnh tài chính của Trung Quốc lúc này rất đáng kể. Theo chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (ExIm Bank), trong hai năm vừa rồi các ngân hàng ở Trung Quốc đã cho vay khoảng 670 tỉ USD, nhiều hơn con số 590 tỉ USD mà ExIm Bank đã cho vay và bảo lãnh trong 80 năm qua. Hiện Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ hơn 4.000 tỉ USD.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do vành đai Thái Bình Dương (FTAAP) với tham vọng hoàn tất vào năm 2025. Nhưng cho đến giờ, FTAAP không phải là ưu tiên số một của các nước. Bản thân các nước APEC cũng đang cân nhắc xem liệu giữa các hiệp ước này có sự trùng lắp hay không. Người đứng đầu ban thư ký của APEC Alan Bollard cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thống nhất về chuyện tiến hành nghiên cứu này. Trung Quốc đang đề xuất chúng tôi làm thêm về khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương... nhưng chúng tôi chưa thật sự rõ nội dung của khu vực mậu dịch này cũng như cách thức để thực hiện”. |