ADB: Thị trường vốn Việt Nam không đáng ngại khi Fed tăng lãi suất

ADB: Thị trường vốn Việt Nam không đáng ngại khi Fed tăng lãi suất

(NDH) Theo đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thay vì theo dõi tác động trực tiếp từ khả năng tăng lãi suất của Fed đến thị trường vốn, Việt Nam nên theo dõi tác động của quyết định đó đến thị trường xuất khẩu.

Đề cập đến những tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp tăng lãi suất, ông Aaron Batten – nhà kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết thị trường vốn của Việt Nam nhìn chung kém phát triển hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực, vì vậy kinh tế Việt Nam không phù thuộc nhiều vào vốn đầu tư gián tiếp ngắn hạn từ nước ngoài.

“Tôi nghĩ Việt Nam sẽ không bị rủi ro gì nhiều từ quyết định (tăng lãi suất) của Fed”, ông Aaron trả lời báo giới sau cuộc họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2015 cập nhật ngày 22/9.

“Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu, nên cái quan trọng hơn là sẽ phải theo dõi những tác động từ quyết định của Fed đối với các thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay,” ông đánh giá.

Theo ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia của ngân hàng ADB tại Việt Nam, môi trường kinh tế thế giới năm nay rất khó tiên liệu, nên Việt Nam cần theo dõi cả diễn biến tại các nền kinh tế khác, trong đó có Trung Quốc, và phải linh hoạt điều chỉnh các chính sách để phù hợp với môi trường này.

Ông Eric cho rằng chính sách tài tài khóa của Việt Nam hiện nay hơi mở rộng, nhưng không quá tệ, còn chính sách tiền tệ đã được điều hành 1 cách thích ứng và các cơ quan nhà nước đã theo dõi khá sát diễn biến trong nước và quốc tế. Nếu cần quan tâm nhiều hơn, thì nên chú ý đến tài khóa, vì bội chi ngân sách đang tăng lên.

Trong báo cáo ADO, ADB đã giải thích rõ hơn về việc duy trì chính sách tiền tệ thích ứng và chính sách tài khóa mở rộng của Việt Nam. Từ đầu năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm lãi suất chính sách 850 điểm cơ bản, trong đó có đợt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 3/2014.

Trong năm nay, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ đã duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,5% và lãi suất chiết khấu 4,5%. Lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng thương mại đã giảm từ mức rất cao là 17% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Về chính sách tài khóa, chi tiêu ngân sách đã tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm, khiến thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP, cao hơn so với mức 3,0% của năm trước. Thu ngân sách từ thuế tài nguyên giảm mạnh, song được bù đắp nhờ số thu cao hơn từ hoạt động xuất khẩu, thu nhập cá nhân và doanh số bán lẻ.

Trước tình trạng giá dầu thế giới xuống dưới mức ước tính 70 USD/thùng, chính phủ đã tìm cách bù đắp bằng cách tăng thuế hải quan đối với sản phẩm xăng dầu và tăng cường đốc thu. Mặc dù vậy, nhìn chung nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm.

Đưa ra khuyến nghị của mình, ông Eric cho rằng do Fed chưa thay đổi chính sách, nên Việt Nam cũng không cần thay đổi nhiều chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã duy trì tỷ giá khá cạnh tranh và phán ửng khá kịp thời với việc phá giá tiền tệ của Trung Quốc.

Trong tháng 8, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá đồng VND so với USD thêm 1% và tăng biên độ giao dịch ngoại hối từ 1% lên 3% sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Động thái này góp phần làm cho tỷ giá đồng VND so với USD trên thị trường tự do giảm 3,4% trong tháng 8.

Vị giám đốc quốc gia của ADB hy vọng việc điều hành chính sách của Việt Nam sẽ được duy trì “như vậy” cho năm sau.