Báo cáo của Nielsen cho thấy sự bảo mật của thẻ tín dụng vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với người mua hàng trực tuyến tại Đông Nam Á, với 5 trong số 6 nước có tỷ lệ lo ngại về việc cung cấp thông tin thẻ tín dụng trực tuyến cao hơn so với tỷ lệ chung của thế giới.
Người tiêu dùng Philipin thận trọng nhất đối với việc tiến hành thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng, với 67% số người tại nước này không tin tưởng việc chia sẻ thông tin thẻ tín dụng trên mạng, tiếp đó là người Thái Lan với tỷ lệ 62%, người Indonesia 60%, người Việt Nam 55%, người Malaysia 52% và người Singapore 41%, trong khi tỷ lệ trung bình của toàn cầu là 49%.
“Mối lo lắng về việc cung cấp thông tin thẻ tín dụng trực tuyến vẫn đang là rào cản cho việc mua hàng, tuy nhiên việc cung cấp các đảm bảo cho việc thanh toán trực tuyến an toàn là cần thiết đối với các nhà bán lẻ trực tuyến nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng”, theo lời của Connie Cheng, Giám đốc Cấp cao ngành hàng người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương của Nielsen.
Đánh giá về tình hình kinh doanh trực tuyến, báo cáo cho biết sự gia tăng của việc sỡ hữu các thiết bị có kết nối trong khu vực Đông Nam Á đã đặt ra nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của ngành bán lẻ trực tuyến, và số lượng người tiêu dùng sử dụng dịch vụ mua hàng trực tuyến tăng một cách đáng kể trong vòng 2 năm qua.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tại khu vực Đông Nam Á, các dịch vụ về du lịch là sản phẩm được đặt mua trực tuyến nhiều nhất, kế đến là vé xem phim, vé xem nhạc kịch, vé tham dự triển lãm cũng như vé xem các trận đấu thể thao. Người Singapore dẫn đầu trên toàn thế giới trong các dự tính đặt mua hàng trực tuyến bao gồm vé máy bay, các dịch vụ khách sạn và đặt phòng, và đứng thứ nhì trên toàn thế giới trong việc mua các vé tham dự các sự kiện khách nhau.
Khoảng 70% số người Singapore dự tính mua vé máy bay trực tuyến và 69% dự tính đặt phòng khách sạn trong 6 tháng sắp tới. Tỷ lệ người tiêu dùng Malaysia đặt mua hàng trực tuyến cũng khá cao khi đứng hàng thứ nhì trên thế giới trong việc đặt các tour du lịch và khách sạn, và đứng thứ 3 thế giới trong việc dự tính đặt vé máy bay và vé tham dự các sự kiện trực tuyến.
Khoảng phân nửa người tiêu dùng Indonesia, Philipin và Việt Nam dự tính đặt mua các dịch vụ du lịch và vé tham dự sự kiên trực tuyến, so với tỷ lệ 40% tại Thái Lan.
Các mặt hàng được mua sắm trực tuyến yêu thích đã thay đổi căn bản trong 2 năm qua. Trong năm 2012, các mặt hàng như máy tính và phần mềm trò chơi, điện thoại di động và quần áo cũng như đồ phụ kiện được xếp vào hàng các mặt hàng được đặt mua trực tuyến thường xuyên. Tuy danh mục các mặt hàng này vẫn thu hút được người tiêu dùng Đông Nam Á khi họ truy cập internet, nhưng tỷ lệ người chuyển từ tìm kiếm sang thật sự đặt mua đã hạ xuống thấp hơn các mặt hàng khác trong 2 năm qua.
“Các sản phẩm và dịch vụ dành cho người mua hàng trực tuyến đang trên đà phát triển vượt bậc trong những năm qua do việc mua hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến hơn”, ông Connie Cheng nhận định.
Người tiêu dùng tại Philipin, Việt Nam và Singapore có khuynh hướng đặt mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan khi người tiêu dùng tại 3 nước này thích lên mạng để lướt qua. Đọc các phản hồi trực tuyến, tìm kiếm sản phẩm và sự tiện nghi được xếp vào các yếu tố chính khuyến khích người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á mua sắm trực tuyến.
Các tiện ích dành cho thương mại điện tử đang phát triển như các ứng dụng và công cụ danh sách nhu yếu phẩm cũng như các ứng dụng thông báo về giảm giá đang ngày càng gây được chú ý trong khu vực, đặc biệt tại Thái Lan và Việt Nam. Hơn phân nửa người Việt Nam (56%) nói rằng họ sử dụng các ứng dụng tiết kiệm tại các cửa hàng khi chuẩn bị cho các chuyến mua sắm, và phần còn lại 44% thì quản lý danh mục các nhu yếu phẩm cần mua bằng các ứng dụng quản lý trên điện thoại hoặc trên mạng. Tại Thái Lan, 55% sử dụng các ứng dụng tiết kiệm khi chuẩn bị cho các chuyến mua sắm, 44% sử dụng các ứng dụng tiết kiệm tại cửa hàng và 40% sử dụng các ứng dụng trên điện thoại hoặc mạng internet của các nhà bán lẻ để quản lý danh sách các nhu yếu phẩm.
Khi nói đến các thiết bị kết nối nào được sử dụng để mua sắm trực tuyến nhiều nhất, cho dù máy tính để bàn đang chiếm ưu thế ở phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á, việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến cũng đang trở nên phổ biến.
Người tiêu dùng tại Philipin, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan được xếp vào danh sách Top 10 toàn cầu trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến và toàn thể khu vực Đông Nam Á được xếp hạng trên trung bình so với thế giới.
Máy tính bảng cũng được sử dụng như là công cụ để lướt các trang mạng bán lẻ. Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, được xếp hạng trên trung bình so với thế giới trong việc sử dụng máy tính bảng để mua sắm trực tuyến.
Nghiên cứu toàn cầu của Nielsen về thương mại trực tuyến đã khảo sát 30,000 đáp viên có sử dụng kết nối internet tại 60 nước khác nhau nhằm tìm hiểu về các dự định mua sắm và đặt hàng của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nghiên cứu này cung cấp những thông tin rõ ràng về các dự tính mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu cho cả các sản phẩm tiêu dùng cũng như các sản phẩm khác trong bối cảnh của sự phát triển về thương mại trực tuyến.