Tương lai của châu Á sau sự ra đời của AIIB

Tương lai của châu Á sau sự ra đời của AIIB

Ngày 24-10 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD.

Việc thành lập AIIB có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như địa chính trị và là biểu tượng cho một xu hướng phát triển quan trọng của lịch sử.

Châu Á là khu vực đông dân cư, chiếm tới 60% dân số thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trước cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á chiếm tới 60% toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, GDP bình quân đầu người ở khu vực châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay. Nói cách khác, châu Á đang có tiềm năng và triển vọng phát triển hết sức to lớn.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của mình, châu Á sẽ cần lượng đầu tư rất lớn trong thời gian tới, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Theo ADB, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2020, châu Á sẽ cần số tiền đầu tư lên tới 800 tỉ USD, trong đó 68% dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và 32% dùng cho nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có trong các lĩnh vực vực năng lượng, thông tin liên lạc, giao thông và môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm châu Á cần một lượng đầu tư tương ứng là 730 tỉ USD. Có rất nhiều kênh để huy động nguồn kinh phí này, chẳng hạn như ngân sách, ngân hàng phát triển đa quốc gia, các ngân hàng thương mại, tín dụng, thị trường vốn, các quỹ chủ quyền.

Một điều dễ nhận thấy là việc AIIB xuất hiện không chỉ phản ánh xu hướng phát triển hướng tới khu vực châu Á của các trung tâm tài chính toàn cầu, mà còn cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc, một dấu hiệu của sự tái thiết lập vị thế của mình trên thế giới. Nguy cơ về các xung đột địa chính trị do sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn khiến nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại. Các thể chế tài chính quốc tế mà hạt nhân là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) do Mỹ chi phối mặc dù đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, tuy nhiên, các quan niệm giá trị và những lợi ích mà nó theo đuổi đều thuộc về phương Tây. Vì vậy, sự xuất hiện của AIIB sẽ bị xem là một thách thức đối với các thể chế tài chính hiện có. Hơn nữa, nếu xu hướng các trung tâm kinh tế hiện nay dịch chuyển về phía Đông không thay đổi, có khả năng AIIB sẽ làm thay đổi hiện trạng thậm chí là thay thế các trung tâm tài chính của phương Tây. Điều này thực sự khiến Mỹ và phương Tây lo ngại. Họ đã cố gắng thuyết phục để các nước lớn ở châu Á và cũng là đối tác truyền thống của mình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia không có mặt tại buổi khai trương AIIB. Tuy nhiên, Trung Quốc cam kết sẽ không "thống trị" AIIB, đồng thời khẳng định quan hệ giữa AIIB và các ngân hàng phát triển đa phương hiện có là mối quan hệ "hỗ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh".

Khác với tính chất khu vực của AIIB, nhiệm vụ và nghiệp vụ của IMF cũng như WB là mang tính toàn cầu. Trên thực tế, AIIB có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á để cho IMF và WB có thể "rảnh tay" giúp đỡ các khu vực châu Phi và Nam Mỹ - nơi cũng đang rất cần sự hỗ trợ đầu tư. Hơn nữa, việc AIIB thúc đẩy sự phát triển khu vực châu Á không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu Á.

AIIB vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, và nó có thể phát huy vai trò to lớn thế nào trong tương lai còn phụ thuộc vào việc hợp tác giữa các nước thành viên và quan hệ tương tác với các tổ chức tài chính đa phương như IMF, WB và ADB. Trong bối cảnh phát triển hiện nay của khu vực châu Á và nhu cầu trong tương lai, việc ra đời của AIIB được xem là đúng lúc.