Sẽ trình CP thông qua giải thể - phá sản một số TCTD phi ngân hàng

Sẽ trình CP thông qua giải thể - phá sản một số TCTD phi ngân hàng

Năm 2013, có 2 công ty tài chính đã được hợp nhất, mua lại với 2 NHTM, giải thể, rút giấy phép 1 công ty cho thuê tài chính và 1 công ty tài chính đã được NHNN ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác. Hiện có 9/11 phương án của TCTD phi ngân hàng được phê duyệt.

Thông tin này được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, trong báo cáo có nêu: “Đối với khối TCTD phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá xác định một số trường hợp mà chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích của việc duy trì hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua giải thể, phá sản”.

Năm 2013, có 2 công ty tài chính đã được hợp nhất, mua lại với 2 NHTM, giải thể, rút giấy phép 1 công ty cho thuê tài chính và 1 công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác.

Một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước đang trong quá trình đàm phán bán lại công ty tài chính cho nhà đầu tư khác. Hiện có 9/11 phương án của TCTD phi ngân hàng được phê duyệt.

Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), về cơ bản, hoạt động của hệ thống vẫn đảm bảo an toàn và thực hiện tốt vai trò tương trợ giữa các thành viên để thực hiện sản xuất, kinh doanh và góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tổng nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý; dư nợ tín dụng tăng và có xu hướng dịch chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.

Tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND vẫn tiếp tục tăng trưởng (tăng 8,3% so với 31/12/2013; tăng 33% so với cuối năm 2012 và 75,3% so với cuối năm 2011).

Cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý: Tiền gửi huy động từ dân cư, TCKT tăng mạnh và chiếm tới 85,6%, vốn vay giảm mạnh và chỉ chiếm 6,2%; tuy nhiên nguồn vốn chủ sở hữu vẫn giữ ở mức thấp (6,3%).

Dư nợ cấp tín dụng của các QTDND tăng 2,3% so với 31/12/2013, tăng 27,8% so với cuối năm 2012 và tăng 59,8% so với cuối năm 2011.

Tỷ lệ nợ xấu thời điểm tháng 4/2014 vẫn ở mức 1,2% (tỷ lệ này cuối năm 2013 là 1,17%, cuối năm 2012 là 1,53%, cuối năm 2011 là 4,56%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đã xuất hiện tình trạng một số QTDND hoạt động yếu kém, xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật gây tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương.