Ngân hàng: Cửa kiếm tiền càng hẹp

Đã có tổ chức tín dụng “xin” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được hoãn trích lập dự phòng 20% với khoản nợ xấu đã bán cho VAMC năm ngoái. Các cánh cửa kiếm tiền của ngân hàng đã hẹp nay lại càng hẹp hơn.

Ngồi trên tiền mà... đói

“Phía trước vẫn còn mịt mù lắm!”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thở dài, “thu nhập ngân hàng càng ngày càng ít. Ngân hàng năm nay vẫn nghèo lắm và chúng tôi chưa dám nghĩ tình hình sang năm sẽ sáng sủa hơn”.

Một lãnh đạo khác chia sẻ: “Thật sự người làm ngân hàng thấy chưa khi nào tình hình trớ trêu như vậy. Ngân hàng ngồi trên đống tiền mà... chết đói”. Nếu như hồi đầu năm, các ngân hàng hỏi nhau “kiếm tiền ở đâu bây giờ?” thì tới nay họ hỏi “để tiền ở đâu bây giờ?”.

Khi được hỏi năm nay ngân hàng anh dự kiến có lợi nhuận bao nhiêu, vị lãnh đạo trở nên lúng túng bởi “ai làm ngân hàng mới hiểu việc của ngân hàng bây giờ là không làm mất thêm tiền của cổ đông đã là tốt rồi chứ không phải là làm gì ra tiền. Gần như không có cửa nào để ngân hàng làm ra tiền thời buổi này”.

Thậm chí, một nguồn tin tiết lộ, có những ngân hàng năm ngoái đã bán nợ xấu cho VAMC (Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) nhưng năm nay chưa trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt, và đang xin NHNN hoãn việc trích lập vì sợ không còn lợi nhuận, không biết ăn nói ra sao với cổ đông.

Hiện các ngân hàng rất ngại các gói tín dụng đặc biệt, các khoản cho vay theo chỉ định, hay mang tính chỉ đạo của Chính phủ như gói nhà ở xã hội, cho vay nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Các kênh kiếm tiền của ngân hàng đang ra sao? Nếu như hai năm qua, ngân hàng vẫn bám vào trái phiếu là kênh đầu tư chính, bên cạnh đó xoay xở các kiểu, như đem tiền vay ba tháng cho vay một tháng ăn chênh lệch lãi suất khoảng 1 điểm phần trăm rồi tháng sau tính tiếp, hay kiếm thêm từ chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ (carry trade) dù việc này không còn kiếm được nhiều như trước. Họ tăng cường tận thu các loại phí dịch vụ với khách hàng, cho vay khách lẻ và một phần lợi nhuận không nhiều từ dịch vụ thẻ, cho vay tiêu dùng... và xác định tăng tốc cho vay mảng tiêu dùng cá nhân, bán lẻ thật nhanh để giành thị phần và mau chóng kiếm lợi nhuận. Nhưng nay các kênh kiếm tiền này đều khó khăn hơn.

Tỷ giá lên, lãi suất giảm và tiền đồng đã đắt hơn so với trước. Bộ phận tín dụng tiếp khách là doanh nghiệp đến ngân hàng chủ yếu để đảo nợ, tái cơ cấu khoản vay để giảm giá vốn vì lãi suất đã giảm. Các khoản đầu tư vào chứng khoán (mua cổ phiếu, tham gia IPO các doanh nghiệp) của tổ chức tín dụng đều buộc phải xin phép NHNN và bị phê duyệt rất chặt chẽ. Đầu tư ngoài ngành bị dừng hẳn. Điều này khiến hoạt động đầu tư rất hạn hẹp.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn rất ngại các gói tín dụng ưu tiên, các khoản cho vay theo chỉ định, hay mang tính chỉ đạo của Chính phủ như gói nhà ở xã hội, cho vay để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản... vì nhiều đối tượng cho vay thực ra nằm dưới chuẩn của các ngân hàng trong thời gian dài, thậm chí còn thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra và giải trình rất mệt mỏi. Còn trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp dù lợi suất cao hơn nhưng rủi ro cũng khó lường.

Niềm hy vọng cuối cùng là kênh trái phiếu chính phủ nay còn hụt hẫng hơn. Bởi vì tuần qua, nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra “mệnh lệnh” chỉ phát hành trái phiếu trên năm năm vào năm 2015. Đây là cú sốc cho giới ngân hàng, vì nó đồng nghĩa với việc chặn chốt kiếm tiền thuận lợi nhất của các ngân hàng trong gần hai năm qua với các loại trái phiếu chính phủ dưới năm năm.

Bức tranh ngân hàng cả năm sẽ không đẹp

Kênh bán lẻ, cho vay tiêu dùng vốn được các ngân hàng tập trung làm mạnh trong thời gian qua chưa đóng góp được bao nhiêu, nay bắt đầu lộ ra những nhược điểm. Nợ xấu của các khoản vay tiêu dùng tăng lên chóng mặt. Đích thân thanh tra NHNN đã phải nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát chặt hơn các khoản cho vay tiêu dùng, bán lẻ. Tới đây, NHNN sẽ có những quy định chặt hơn với nghiệp vụ này.

Đến nay, dù kết quả kinh doanh quí 3 của các ngân hàng không quá tệ nhưng lại tiềm ẩn các tín hiệu xấu, bởi vì các ngân hàng vẫn né tránh việc trích lập dự phòng rủi ro. Để có lợi nhuận hoặc có vẻ có triển vọng lợi nhuận, họ phải giảm trích lập dự phòng, tức tiếp tục “giam” nợ xấu lại.

“Nếu nhìn qua các con số về tình hình kinh doanh của ngân hàng trong chín tháng qua có vẻ như tốt vì nó vẫn tăng, chỉ là không cao như kỳ vọng. Mặc dù vậy, chúng tôi dự đoán bức tranh ngân hàng cả năm sẽ không đẹp”, tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét.