Tại buổi đối thoại sáng nay, có khá nhiều ý kiến thắc mắc về các Thông tư quy định về thuế giá trị gia tăng, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa công nghệ thông tin (CNTT)… Có một số điều kiện kinh doanh đặc thù của ngành CNTT và điện tử mà các quy định, thủ tục hành chính ở Việt Nam không nắm bắt kịp.
Ngoài ra, cũng có một số câu hỏi gửi cho ngành văn hóa, thông tin-truyền thông, tư pháp… về quảng cáo trái phép, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tranh chấp bản quyền phần mềm…
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, nêu thắc mắc của doanh nghiệp về quy định của ngành hải quan khi doanh nghiệp tạm xuất-tái nhập các sản phẩm CNTT-điện tử mang đi bảo hành ở nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã bị xử phạt theo quy định vì nhập sản phẩm mang đi bảo hành về Việt Nam khác với sản phẩm xuất đi (do nhà sản xuất đổi sản phẩm mới 100% thay thế cho sản phẩm bị lỗi, theo quy định bảo hành của họ).
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu: "Theo ý kiến riêng của tôi cũng như một số chuyên gia kinh tế, CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, thành phố cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành CNTT".
Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119 góp phần rút ngắn thời gian khai báo thuế và hợp lý hóa các hình thức nộp thuế. Một số thông tư khác của Bộ Tài chính cũng đang góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể như, từ đầu tháng 9-2014, các doanh nghiệp đang khai báo nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hình thức trực tiếp có thể chuyển qua hình thức khấu trừ thuế. Trước đây, một số công ty có quy mô kinh doanh nhỏ cho rằng họ bị thiệt thòi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn được nộp thuế theo hình thức khấu trừ.
Một doanh nghiệp gia công phần mềm thắc mắc: Chúng tôi nhận thấy gần đây, ngành thuế đang giảm dần thời gian khai báo, thủ tục nộp thuế; nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tốn khá nhiều thời gian để nộp báo cáo cho ngành thống kê, kế hoạch-đầu tư…
Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay phải thường xuyên nộp báo cáo hàng tháng cho các cơ quan Nhà nước. Ông Hà xác nhận điều này: Hiện nay, còn khá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp báo cáo, số liệu thống kê. Chúng ta phải làm thế nào để các doanh nghiệp giảm bớt thời gian báo cáo, khai báo thủ tục… cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Hà, để làm được điều này, chúng ta cần định lượng thời gian doanh nghiệp phải tiêu tốn để khai báo, thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, mới có kiến nghị cụ thể, có lộ trình giảm số giờ giải quyết thủ tục, gỡ khó cho doanh nghiệp.