Vì sao bò Việt Nam chậm lớn, "gầy đét"?

Năng suất bò thịt của Việt Nam thấp do bò tăng trưởng chậm, tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt tinh thấp.

bo thit
Ảnh minh hoạ

Bò Việt tăng trưởng chậm, chất lượng thấp

Lý giải cho kết luận này, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, mùa đông ở miền Bắc và mùa khô ở miền Nam là thời gian bò bị thiếu hụt thức ăn trầm trọng và phải sống trong môi trường sống bất lợi như quá lạnh, quá nóng, bệnh dịch và thiếu nước. Do vậy bò lớn chậm và chỉ những con bò có khối lượng nhỏ mới có cơ hội tồn tại. Quá trình thích nghi và chọn lọc tự nhiên này đã hình thành nên giống bò địa phương nhỏ con, tăng trưởng chậm.

Đơn cử như bò Vàng, bò địa phương khi 24 tháng tuổi (chưa vỗ béo) chỉ đạt khoảng 150kg/con cái và 175kg/con đực. Tăng trọng bình quân từ sơ sinh đến 24 tháng chỉ đạt 190-220g/ngày. Tỷ lệ thịt tinh cũng thấp, chỉ từ 32-33%. Khối lượng sống và tỷ lệ thịt tinh thấp khiến sản lượng thịt tinh của một con bò thấp, chỉ đạt 50-60kg (chỉ bằng khoảng 60-70% so với trung bình của thế giới).

Theo số liệu thống kê năm 2014, tổng đàn bò của cả nước đạt 5,234 triệu con tăng 1,4% so với năm 2013. So với đàn bò thời điểm năm 2007 (đạt 6,724 triệu con) đàn bò hiện nay đã giảm 1,490 triệu con, như vậy trong 7 năm qua, bình quân mỗi năm đàn bò đã giảm 212 ngàn con. Năm 2014, tổng sản lượng thịt bò đạt 292,9 ngàn tấn tăng 2,4% so với năm 2013 và 41% so với năm 2007.

Trên cơ sở đó, tỷ lệ thịt xẻ của bò Vàng Việt Nam cũng khá thấp so với các quốc gia khác. Cụ thể, bò Vàng Việt Nam có tỷ lệ thịt xẻ là 42%, tỷ lệ thịt tinh là 31%, trong khi đó bò thịt Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ 60%, tỷ lệ thịt tinh là 45%. Hiện nay, trên thế giới nhiều giống bò như bò BBB (bò đen trắng xanh của Bỉ) có tỷ lệ thịt xẻ tới 70%, tỷ lệ thịt tinh trên 50%, giá trị dinh dưỡng thịt cao.

Chính vì tăng trưởng tổng đàn bò trong thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên Việt Nam đã phải nhập khẩu bò/thịt bò và số lượng nhập khẩu ngày càng tăng qua các năm. Năm 1995, Việt Nam đã nhập 4.450 tấn thịt bò. Năm 2014, Việt Nam đã nhập 180.000 con bò sống từ nước ngoài.

Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ

Hiện nay, quy mô chăn nuôi bò ở Việt Nam chủ yếu dưới hình thức nông hộ dưới 10 con để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, phương thức chăn nuôi công nghiệp và trang trại vẫn còn hạn chế.

Một vài năm gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi bò thịt nhưng quy mô chỉ khoảng 200 con. Tuy nhiên, số các trang trại này nếu so với các nước chăn nuôi và xuất khẩu thịt bò như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand (với quy mô trang trại hàng nghìn con) thì còn quá khiêm tốn.

Một số doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai cũng mới trong những giai đoạn đầu thực hiện một số dự án chăn nuôi khoảng 100-200 nghìn con bò thịt (chủ yếu nhập bò thịt khoảng 2 năm tuổi từ Úc, sau đó tiến hành vỗ béo để giết mổ).

Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 6.405 trang trại chăn nuôi bò thịt (riêng các tỉnh phía Nam có 4.858 trang trại, chiếm 73,9% tổng số trang trại chăn nuôi bò của cả nước).

Ngành chăn nuôi bò đang tìm cách nâng cao chất lượng đàn bò thịt. Từ năm 2002-2005 đến nay Việt Nam có dự án phát triển bò thịt chất lượng cao triển khai trên quy mô 15 tỉnh. Theo đề án nâng cao chất lượng đàn bò thịt, một số đơn vịsẽ được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu, sản xuất nuôi bò thịt thuần giống nhiệt đới và sản xuất thịt bò tinh. Hiện nay, Việt Nam có một trung tâm sản xuất thịt tinh đông lạnh cung cấp cho cả nước.

Theo mục tiêu, tỷ lệ bò lai từ mức 47,6% năm 2013 đến năm 2020 tăng lên 70%, quy hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt ở các vùng Duyên hải miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc.

Do Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi không đưa ra chỉ tiêu đàn bò thịt như chiến lược phát triển đã xây dựng mục tiêu là 12,5 triệu con đến năm 2020 nên theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, bên cạnh các chính sách khác để phát triển chăn nuôi bò thịt, Bộ NN&PTNT cần xây dựng Đề án quy hoạch, phát triển ngành chăn nuôi bò Việt Nam trung và dài hạn (đến 2030) gắn với các khâu trong chuỗi chăn nuôi từ vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn, công nghiệp chế biết giết mổ và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường để các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các dự án của mình.

Các chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò thịt

Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung (từ 500 con trở lên đối với trâu bò, 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại hoặc 500 con đối với bò sữa cao sản) được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.

Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Ngoài hỗ trợ hạ tầng nêu trên, nếu dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi được hỗ trợ không quá 40% chi phí nhập giống gốc; hỗ trợ nhập bò sữa giống từ các nước phát triển cho doanh nghiệp nuôi trực tiếp và nuôi phân tán trong các hộ gia đình là 10 triệu đồng/con đối với tỉnh đã có đàn bò sữa trên 5.000 con và hỗ trợ 15 triệu đồng/con đối với các tỉnh còn lại (có thể lập dự án riêng)…