Năm 2015 Việt Nam mất 3 tỷ USD vì giá dầu liên tục giảm

(NDH) Giá dầu thô giảm mạnh, liên tục chạm đáy khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam mất hơn 3 tỷ USD. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa ra tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng “không thể lường trước dầu thô giảm sâu, liên tục chạm đáy”. Tháng 10,11, 12/2015 giá dầu giảm liên tục, còn 35 USD/thùng. Nếu không vì dầu thô, chỉ tiêu xuất khẩu đã đạt trên 10%.

Theo ông, nhiều sản phẩm hàng hóa lấy số lượng bù giá. “Chúng ta hết sức nỗ lực, tăng được khá nhiều khối lượng xuất khẩu: tìm kiếm thị trường, vận động các quốc gia nhập khẩu ký hợp đồng dài hạn… góp phần làm lượng một số mặt hàng tăng lên bù lại những cái sụt giá. Đầu năm gạo có nhiều giải pháp phục hồi trên thị trường xuất khẩu. Cuối năm Việt Nam đã có những đơn hàng lớn của Indonesia, Philippin và mới ký với Đông ti mo hợp đồng dài hạn khoảng 2 nghìn tấn gạo mỗi năm bù vào giá giảm”, Bộ trưởng cho hay.

Năm 2015, Việt Nam thu được 1,4 tỷ USD từ các mỏ dầu khí ở nước ngoài của PVN gồm mỏ tại Algeri, Nga, Peru. Việt Nam đã duy trì được xuất khẩu trên 8% là nỗ lực lớn trong bối cảnh các nước xung quanh sụt giảm. Nhập siêu 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi mức Quốc hội cho phép là 5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 9,8%, cao nhất trong vòng 5 năm qua là một tín hiệu mừng trong nền kinh tế đang chuyển minh mạnh mẽ công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Bộ Công Thương cho biết ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP. Nhiều công trình quan trọng được đưa vào vận hành trong năm 2015, nhất là ngành điện, dầu khí, phân bón hóa chất… Một loạt nhà máy điện đi vào vận hàng trong năm 2015, tăng năng lực điện các năm sau, cân đối nhu cầu điện phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ 4 vấn đề chính trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh khi mở rộng thị trường xuất khẩu cần có yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật cạnh tranh, sản phẩm ta đang có lợi thế mà vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật thì những lợi thế của hội nhập không tận dụng được.

Lợi ích cốt lõi Việt Nam đạt được khi mở cửa thuận lợi, giảm 0% thuế ngay khi hiệp định thương mại tự do hiệu lực gồm các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may và da giày. Tức từ 90% đưa về 0%, nhưng nếu một vài lô hàng bị phát hiện không đảm bảo chất lượng, trả lại, uy tín hàng hóa giảm sút, Việt Nam sẽ tận dụng được ưu thế này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ khuyến khích phát triển năng lượng điện gió.

Ông nói: “Quy hoạch điện gió là mục tiêu phải thực hiện trong thời gian tới, thực hiện cam kết của Việt Nam trong năm 2021. Tiếp thu ý kiến, giá điện gió 7,8 cents/kWh, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét khuyến khích điện gió ven biển, ở những nơi đất trống không thể canh tác, đầu tư khó khăn sẽ được lựa chọn phát triển điện gió và cơ chế giá điện là khuyến khích đầu tư”.

Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo cho từng loại hình trong đó có cơ chế hỗ trợ giá cho điện gió cũng như diện mặt trời.

Việt Nam sẽ tiến hành sản xuất điện gió và điện mặt trời theo từng bước phát triển với lộ trình nhất định.

Theo Tổng cục Hải quan tháng 10/2015 lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt gần 7,7 triệu tấn, tăng nhẹ 1,2% tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt 3,26 tỷ USD, giảm mạnh tới 48,3%, nguyên nhân chính do các đơn giá xuất khẩu giảm mạnh 48,9% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 10/2015 kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã giảm tới 3,04 tỷ USD.