Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2 trên sàn Nymex rớt 1.29 USD (tương ứng 3.4%) xuống 36.81 USD/thùng, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng giá liên tiếp từng giúp dầu WTI tăng 5.7% trong tuần trước. Hiện hợp đồng dầu tương lai đã trượt dốc hơn 30% so với thời điểm cuối năm 2014.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn London lùi sâu 1.27 USD (tương ứng 3.4%) còn 36.62 USD/thùng. Cho đến nay, dầu Brent đã lao dốc hơn 36%/năm.
Trong tuần trước, giá dầu bắt đầu phục hồi nhờ lượng dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh và hoạt động mua vào để thoát khỏi vị thế bán khống. Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai đà tăng này đã chững lại do nỗi lo sợ về tốc độ tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại Trung Quốc và Châu Âu bao trùm cả thị trường, các nhà phân tích tại Tradition cho hay.
Daniel Ang, nhà phân tích tại Philip Futures, cho biết ông kỳ vọng cả dự trữ dầu và số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đồng loạt giảm sút, tuy nhiên tâm lý bi quan có thể tiếp diễn bởi Mỹ đang chuẩn bị xuất khẩu dầu. Đầu tháng này, những người đứng đầu Quốc hội Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu 40 năm về trước.
Bên cạnh đó, thị trường trên toàn cầu cũng phải cạnh tranh với sản lượng dầu đến từ Iran, bởi lệnh cấm đã kết thúc.
Rokneddin Javadi, người đứng đầu tập đoàn dầu quốc gia Iran (National Iranian Oil Co.), cho biết Iran định xuất khẩu thêm 500,000 thùng/ngày trong tuần dỡ bỏ lệnh cấm, hãng Blomberg đưa tin.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng khẳng định rõ rằng OPEC sẽ không giảm sản lượng trong năm tới nhằm duy trì thị phần, qua đó càng đè nặng lên giá dầu.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 tăng vọt 19.9 xu (tương ứng 9.8%) lên 2.228 USD/MMBtu, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 1/12. Tuy nhiên, hợp đồng xăng giao tháng 1 lại giảm 3.17 xu (tương ứng 2.5%) xuống 1.2326 USD/gallon./.