Về nguyên nhân, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc sụt giảm này một phần là do nhóm mặt hàng nông sản, khoáng sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá.
Nhưng quan trọng hơn, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn chưa hết khó khăn và xuất khẩu của khối này giảm 3,5% so với năm 2014 và nhập siêu lên tới 20,23 tỷ USD.
Để đánh giámột năm điều hành hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có một số trao đổi với phóng viên về lĩnh vực mà Bộ này đang quản lý.
- Nhìn lại hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015, theo Thứ trưởng có những điểm nào cần chú ý? Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể thấy, qua con số liên bộ có 2 điểm cần lưu ý đó là, năm 2015 xuất khẩu không đạt mục tiêu như Quốc hội thông qua là 10% và chỉ đạt khoảng 8,1%. Còn nhập siêu đã quay lại (năm ngoái xuất siêu 2 tỷ USD) mặc dù vẫn nằm trong phạm vi cho phép của Quốc hội là dưới 5%.
Trong năm 2015 cũng là năm có diễn biến phức tạp của thj trường thế giới, hàng loạt những mặt hàng thế mạnh đều liên quan đến cân đối cung cầu thế giới. Ví dụ như dầu thô là mặt hàng chiếm kim ngạch lớn đã liên tục sụt giảm từ những ngày cuối năm trước đến đầu năm nay. Những ngày cuối năm nay, tiếp tục chứng kiến sự suy giảm của dầu thô ở mức rất lớn (hiện còn hơn 35 USD/thùng).
Những mặt hàng khác như than đá, nguyên liệu khoáng sản có sự sụt giảm lớn về giá cả và quy mô xuất khẩu do sự thu hẹp của thị trường thế giới. chúng ta chứng kiến cung cầu một số mặt hàng như cao su, cà phê, gạo cũng có sự biến động lớn, dẫn đến sự sụt giảm cả về quy mô và giá. Điều đó dẫn đến các mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam không đạt như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, thực tế, ta cũng có những nỗ lực lớn và có những kết quả khả quan nếu ta nhìn vào thực tế thị trường thế giới cũng như phân tích sự sụt giảm của hàng loạt các quốc gia lớn. nhiều quốc gia xuất khẩu lớn như Trung Quốc tăng trưởng âm, Indonesia giảm 13,3%; Thái Lan, Malaysia… có mức tăng trưởng âm về xuất khẩu.
Cho nên phải thấy những nỗ lực của ta là lớn và kết quả đạt được đáng ghi nhận. đặc biệt, nhiều mặt hàng của nước ta có sự tăng trưởng lớn như dệt may, máy điện thoại, điện tử, vi tính, thiết bị vận tải… tăng trưởng ở mức hai con số, giúp ta không bị nhập siêu lớn mà còn nằm trong mức kiểm soát tốt. Ngoài ra, mức tăng trưởng xuất khẩu 8,1% là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay.
Tỷ lệ nội địa hóa nhiều ngành còn thấp do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển (Ảnh: TTXVN)
- Tuy nhiên nếu phân tích kỹ thì kết quả xuất khẩu cả năm vẫn chủ yếu có sự đóng góp của khối FDI còn ngược lại, khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại nhập siêu mạnh, vậy thứ trưởng đánh giá như thế nào?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo tôi đây chính là vấn đề nội tại của chúng ta. Có thể thấy, sự cạnh tranh của nền kinh tế thể hiện qua giá trị gia tăng sản phẩm liên quan đến hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, thương hiệu của ta trên thị trường thế giới.
Với quy mô của nền kinh tế, quy mô của doanh nghiệp và đặc biệt là hạn chế trong tiếp cận thị trường thế giới, có thể nói ta rất khó khăn trong việc tạo ra một thị trường ổn định, bền vững cho sản phẩm trong nước.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều sản phẩm có lượng xuất khẩu lớn nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa tạo được ra chuỗi sản xuất trên thị trường thế giới. Ví dụ như: nông sản, gạo, càphê, cao su… dù quy mô xuất khẩu lớn nhưng giá trị thương hiệu chưa được định hình, ngoài ra chất lượng cũng chưa ổn định nên đây là vấn đề lớn khi ta thực hiện các khuôn khổ hội nhập trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trình độ năng lực sản xuất của Việt Nam cũng khiến giá trị sản phẩm chưa cao, trong đó hạn chế của công nghiệp phụ trợ cũng khiến ta phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào các thị trường đầu vào, nguyên liệu sơ chế. Cụ thể là ngành dệt may, da giày còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong nước cũng như của các ngành kinh tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI khi tham gia đầu tư ở Việt Nam có những trình độ công nghệ, có chuỗi giá trị đã được hình thành, chất lượng canh tranh tốt, chưa kể giá trị thương hiệu đã được khẳng định đã giúp các doanh nghiệp này có sức cạnh tranh cao.
Chính vì vậy càng đặt ra vấn đề ta phải tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu các ngành sản xuất để đảm bảo khả năng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) - Bước sang năm 2016, với mục tiêu mà Quốc hội thông qua là tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu. Vậy Bộ Công Thương đã đề ra những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu trên. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam có những điều kiện thuận lợi trong ngoại thương, các FTA đã phần lớn kết thúc, nhiều hiệp định có hiệu lực và mang lại thuận lợi lớn trong thời gian tới, cụ thể là hàng loạt ưu đãi trong xóa bỏ hàng rào thuế trong mọi lĩnh vực sẽ mang lại thuận lợi để tiếp cận những thị trường lớn, ổn định.
Bên cạnh đó, nỗ lực chung của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện cam kết giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường, phát triển xuất khẩu.
Trong hội nhập, các FTA mở ra cơ hội để ta hình thành chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các dự án đầu tư dân doanh, nguồn lực đầu tư xã hội, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với việc tăng cường đổi mới doanh nghiệp, đầu tư, hoàn thiện môi trường thể chế, ta sẽ có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của chúng ta vẫn phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển sản xuất, thương mại trong phạm vi nội địa và toàn cầu.
Thực tế cho thấy khó khăn còn rất lớn, đặc biệt, những cam kết hội nhập đang hàm chứa việc phải mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp, các hàng hóa nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp và gia tăng trong thị trường nội địa.
Không những thế, chúng ta phải chứng kiến thách thức lớn trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật. các sản phẩm dù muốn hay không đều phải đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do vậy, chúng ta không thể cạnh tranh nếu không có bước tiến trong tổ chức sản xuất, nông sản không theo các tiêu chuẩn như : Vietgap, GlobalGap…sẽ không thể đáp ứng yêu cầu thị trường.
Về phía các bộ ngành, năm 2016 sẽ tiếp tục thực hiện ổn định vĩ mô, tạo điều kiện hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, đồng thời phải tổ chức thực hiện, xây dựng môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt các cam kết về luật cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý chung cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khai thác thị trường thông qua cam kết hội nhập. Tổ chức tuyên truyền cung cấp thông tin doanh nghiệp, ngành hàng để có thể nắm bắt đầy đủ, khai thác tốt các yêu cầu thị trường, phối hợp doanh nghiệp, khối tư nhân và cơ quan nhà nước để có thể kịp thời phối hợp xử lý các khó khăn khi tiếp cận thị trường mới.
Những chính sách, chủ trương Chính phủ trong đổi mới tăng trưởng, phát triển khu vực doanh nghiệp, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đầu tư công có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp bằng những biện pháp, nội dung phù hợp trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
- Xin cảm ơn thứ trưởng./.