Không bán được gạo cho Philippines nên giá rớt 

Tình hình tiêu thụ lúa gạo nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục trầm lắng, giá giảm nhẹ.

Đó là kết quả sau thông tin Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã bác toàn bộ hồ sơ dự thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho quốc gia này vào hôm qua 27-8.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TP.HCM), cho biết gạo nguyên liệu tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang đã giảm nhẹ khoảng 50 đồng/kg so với ngày hôm qua và hiện chỉ còn dao động quanh mức 7.400-7.500 đồng/kg đối với giống IR 50404.

Trong khi đó, tại An Giang, Đồng Tháp, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng nhanh chóng giảm xuống mức giá 7.450-7.500 đồng/kg so với mức 7.500-7.550 đồng/kg ở thời điểm trước đó.

Không chỉ giá gạo, giá lúa tại Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang…, cũng nhanh chóng quay đầu giảm khoảng 50-150 đồng/kg, xuống mức 4.850-5.000 đồng/kg đối với giống IR 50404 (tùy địa phương).

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo giảm trở lại, theo bà Yến do nhu cầu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu đã rất yếu từ đầu tuần đến nay kết hợp với thông tin không trúng thầu bán 500.000 tấn gạo cho Philippines là lý do chính. "Không có hợp đồng mới như kỳ vọng dĩ nhiên không ai dám mua mạnh trong lúc này nên giá "hạ nhiệt" thôi", bà giải thích.

Tuy nhiên, bà Yến dự báo do lượng lúa hàng hóa trên đồng gần như đã cạn nên giá khó có thể giảm sâu nữa.

Còn theo thông tin từ chuyên trang nghiên cứu, phân tích thị trường lúa gạo thế giới (Oryza.com), hiện giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ổn định so với mức giá của ngày trước đó. Cụ thể, gạo 5% tấm vẫn được chào bán ở mức giá 445-455 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmines lần lượt được chào bán với giá 400-410 và 580-590 đô la Mỹ/tấn.

Dù không giành được hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines, nhưng một nguồn tin riêng từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, lũy kế hợp đồng xuất khẩu gạo doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính đến nay đạt khoảng 6 triệu tấn, trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu đã giao đạt khoảng 3,9 triệu tấn.

Như vậy, sau khi cân đối giữa lượng hợp đồng xuất khẩu đã giao (khoảng 3,9 triệu tấn) và lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký (khoảng 6 triệu tấn), doanh nghiệp hội viên của VFA vẫn còn khoảng 2,1 triệu tấn gạo chưa giao cho đối tác.

Cũng theo nguồn tin này, nếu cân đối giữa lượng gạo còn tồn kho của doanh nghiệp hội viên VFA (hiện tồn kho chỉ còn hơn 1 triệu tấn- PV) và số lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao (2,1 triệu tấn), thì doanh nghiệp hội viên của VFA cần phải mua thêm khoảng 1 triệu tấn gạo nữa mới đủ đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Liên quan đến buổi mở thầu cung cấp 500.000 tấn gạo (loại 25% tấm) được NFA công bố ngày hôm qua 27-8, đơn vị này đã bác toàn bộ hồ sơ dự thầu của các ứng viên trong cuộc đua này vì giá bỏ thầu của họ vượt trần ngân sách của Chính phủ Philippines, trong đó phía Việt Nam có Vinafood 1 và Vinafood 2.

Theo kết quả công bố cuối cùng của NFA, cho thấy dự toán ngân sách của họ cho gói thầu 500.000 tấn lần này vào khoảng 456,6 đô la Mỹ/tấn, chứ không phải khoảng 470 đô la Mỹ/tấn như thông tin trước đó, trong khi đó, giá bỏ thầu của các ứng viên rơi vào khoảng 460-496,75 đô la Mỹ/tấn. Chính lý do này nên NFA quyết định bác toàn bộ hồ sơ dự thầu của các ứng viên tham gia vào cuộc đua này.

Dự kiến, NFA sẽ mở một cuộc đấu thầu rộng rãi mới hoặc ký hợp đồng tập trung mua 500.000 tấn gạo thời gian tới.