Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trong khi phải nhập khẩu một lượng lớn than, thì song song với đó, ngành than vẫn đang xuất đi một số lượng cũng không hề nhỏ. Theo kế hoạch, than xuất khẩu sẽ giảm dần sản lượng trong thời gian tới
Theo Bộ Công thương, không phải bây giờ Việt Nam mới nhập khẩu than mà từ nhiều năm trước đã nhập để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây cũng cho hay, ngành than đã nhập khẩu hơn 9.500 tấn than phục vụ nhu cầu của Nhà máy Nhiệt điện thuộc dự án bôxit Tân Rai và gần nhất là nhập hơn 41.000 tấn than từ Nga để phục vụ sản xuất điện. Cũng theo Vinacomin, Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với một số đối tác Indonesia, Australia về việc cung cấp than cho Việt Nam trong tương lai. Vinacomin dự kiến, từ nay đến năm 2017 mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khoảng 3-4 triệu tấn than. Và đến năm 2020, lượng than nhập khẩu sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn.
Để thực hiện cho kế hoạch nhập khẩu than với khối lượng lớn như dự kiến, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, Tập đoàn đang nghiên cứu, xúc tiến tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư nước ngoài trong lúc thị trường than thế giới có những điều kiện thuận lợi. "Chúng tôi tiếp tục mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các nước, thâm nhập thị trường, đồng thời lựa chọn quy trình nhập than để xác định phương thức phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của Việt Nam"- ông Biên chia sẻ khi nói về kế hoạch nhập khẩu than của Vinacomin.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về băn khoăn hiện nay của dư luận, rằng, tại sao Việt Nam phải nhập một khối lượng than lớn như vậy, nhưng vẫn xuất khẩu than và theo kế hoạch vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng không nhỏ trong những năm tới? ông Biên cho biết, đến thời điểm hiện nay, vấn đề xuất khẩu than gần như đã là câu chuyện của quá khứ. Theo vị Phó Tổng giám đốc Vinacomin, hiện nay, kế hoạch của ngành than là sẽ xuất khẩu 2 triệu tấn than mỗi năm, nhưng đó là những loại than mà các ngành nghề như điện, xi măng không dùng hết, lượng than thừa ra sẽ bán đi.
Ông Biên cũng cho biết, mỗi một vỉa than lấy lên từ lòng đất bao gồm nhiều loại, cả than cám và than cục, cũng giống như sát lúa, có cả vỏ, cả trấu, cả hạt gạo… Và chúng ta phải sử dụng sao cho tất cả những loại than khai thác được đều có giá trị. Lượng than cục khi khai thác, đưa ra khỏi mỏ nếu để lâu trong kho sẽ bị ô xy hóa, bắt đầu quá trình vỡ vụn, càng để lâu sẽ càng mất giá trị, do đó cần phải bán.
"Chúng tôi chỉ bán than cục và những loại than trong nước không có nhu cầu sử dụng như cám 6 và dưới cám 6 hoặc sử dụng không hết. Và việc xuất than cũng một phần là để có nguồn duy trì hoạt động của ngành, có vốn để xây mỏ mới, đầu tư phát triển toàn ngành đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế"- ông Biên nhấn mạnh và chia sẻ thêm: Việc phải nhập khẩu than trong thời gian qua không phải do Việt Nam thiếu than cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà nhập khẩu để thử nghiệm, tìm hiểu thị trường thế giới nhằm chuẩn bị cho mục tiêu nhập khẩu than trong thời gian tới.
Theo định hướng hoạt động xuất khẩu than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 89/2008/QĐ-TTg ngày 7-7-2008 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, lượng than xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng năm. Cụ thể, để bảo đảm việc xuất khẩu than theo hướng giảm dần thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, chỉ xuất khẩu những chủng loại than trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa sử dụng hết. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than hằng năm. Đơn cử, kế hoạch xuất khẩu than năm 2013 là 11,5 triệu tấn, năm 2014 là 9,5 triệu tấn và năm 2015 là 4 triệu tấn…
Bộ Công thương nhận định, ngành than đang xuất khẩu phù hợp với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ xuất khẩu những chủng loại than mà trong nước không có nhu cầu sử dụng như than cục, cám tốt… hoặc chưa sử dụng hết. |