Xuất khẩu xi măng: Không ngại đường xa

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) ngành xi măng (XM) đạt được nhiều thành công. Không chỉ đáp ứng tốt tiêu thụ trong nước, các DN còn đưa Việt Nam vào danh sách nước xuất khẩu XM 4 năm liên tiếp đạt hơn 21 triệu tấn, sau nhiều năm phải nhập khẩu sản phẩm này.

Xuất khẩu xi măng đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể

“Vững chân” tại thị trường tiềm năng

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu về xuất khẩu XM của Việt Nam trong năm 2014 là 21,1 triệu tấn chứ không phải xấp xỉ 20 triệu tấn như ước tính của Hiệp hội XM Việt Nam trước đó. Tổng giá trị xuất khẩu là 912,4 triệu USD. Bangladesh đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành XM Việt Nam, chiếm 35,3% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2014 với tổng kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 8,4 triệu tấn XM và clinker, tổng giá trị nhập khẩu 322,7 triệu USD.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Indonesia là thị trường nhập khẩu XM lớn thứ 2 với 2,6 triệu tấn, trị giá 123 triệu USD, tiếp đến là Malaysia gần 1,3 triệu tấn, trị giá 62 triệu USD, Phillipines đứng thứ 4 với 44,2 triệu USD.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam - khẳng định, 912,4 triệu USD giá trị xuất khẩu XM, clinker đã thu về trong năm 2014 được xem là nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Góp phần tạo nên bức tranh về xuất khẩu XM tại thị trường Đông Nam Á và một số nước khu vực Trung Đông phải kể đến Tổng công ty Công nghiệp XM Việt Nam, Công ty TNHH tập đoàn Hoàng Phát Vissai Ninh Bình (The Vissai), XM Thăng Long, XM Cẩm Phả… Theo ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên The Vissai - nếu tính từ hợp đồng xuất khẩu đầu tiên mà tập đoàn đàm phán thành công sang thị trường Băngladesh vào năm 2010, đến nay sau 4 năm tham gia thị trường xuất khẩu, tập đoàn đã vươn ra hơn 30 quốc gia. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2015, The Vissai đã vinh dự đón chuyến tàu SPIRIT OF SEATREK, chở hơn 58.000 tấn clinker sang thị trường Băngladesh, đồng thời đánh dấu mốc son 10 triệu tấn clinker xuất khẩu của tập đoàn.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hiệp hội XM tuyên truyền vận động các DN, đề ra các biện pháp phối hợp nhằm tăng cường hợp tác của các DN trong xuất khẩu sản phẩm XM. Trên cơ sở đó, các DN xuất khẩu XM phải chủ động nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác vì quyền lợi và hiệu quả của chính mình trong xuất khẩu.



Tập trung nâng giá trị xuất khẩu

Ông Lê Văn Tới - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - đánh giá, 4 năm gia nhập thị trường xuất khẩu là khoảng thời gian không dài, nhưng các DN xuất khẩu XM Việt Nam cũng đã tích lũy được kinh nghiệm trong khai thác thị trường, đàm phán hợp đồng. Đáng chú ý, giá xuất XM bình quân hiện ở mức 43,155 USD/tấn sản phẩm. Mức giá này tăng khoảng 2 USD/tấn sản phẩm so với khoảng 2 năm trở lại đây. Như vậy, giá xuất khẩu XM của Việt Nam đang dần cân bằng và tương đương với giá của mặt bằng xuất khẩu chung giữa các nước trong khu vực.

Theo ông Hoàng Mạnh Trường, là tập đoàn kinh tế tư nhân sản xuất và cung ứng XM với sản lượng lớn, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh 2015 - 2020, The Vissai đang đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, xuất khẩu XM đóng bao mang thương hiệu The Vissai ra thị trường nước ngoài để gia tăng giá trị trong xuất khẩu.