Xuất khẩu xi măng gia nhập nhóm tỷ đô

Với đà tăng tốc như hiện nay, xi măng gia nhập danh sách các mặt hàng xuất khẩu 1 tỷ USD.

Nhiều năm trước, do năng lực sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, ngành xi măng liên tục phải nhập khẩu clinker. Tình trạng này chỉ chấm dứt từ năm 2010, khi sản xuất trong nước đã dư ra một phần để xuất khẩu.

Xuất khẩu xi măng gia nhập nhóm tỷ đô
Nhiều doanh nghiệp xi măng đang phát triển trên cả "2 chân" tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2013-2014, ngành xi măng phải đẩy mạnh xuất khẩu do cung vượt cầu. Năm 2013, lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã chạm mức 15 triệu tấn. Dự báo năm 2014, xuất khẩu mặt hàng này sẽ lên tới 21 triệu tấn, khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết 11 tháng năm 2014 đã đạt 18,8 triệu tấn, với tổng giá trị hơn 850 triệu USD.

Không giống các ngành xuất khẩu khác như dệt may, giày dép, thủy sản…, xi măng được cho là ngành không nên khuyến khích xuất khẩu, vì như vậy là bán rẻ tài nguyên. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp xi măng đang phát triển trên cả "2 chân" tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Thế Lập, Trưởng phòng Truyền thông Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, công suất thiết kế của ngành xi măng nước ta hiện đã chạm mức 75 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa, tính ở mức cực đại chỉ đạt 50 triệu tấn.

Theo ông Lập, việc các doanh nghiệp tìm mọi cách để gia tăng xuất khẩu xi măng là việc làm đúng đắn trong bối cảnh ngành xi măng đang dư cung. Và ít nhất trong 3 năm tới, xuất khẩu vẫn cần phải duy trì "phong độ" để giúp các nhà sản xuất có đầu ra ổn định, đảm bảo nguồn tiền để trả nợ đầu tư, khấu hao, chi phí nhân công.

Ở góc độ sản xuất của doanh nghiệp, thì cùng một lò nung clinker, nếu chạy công suất thấp thì vẫn tiêu hao nhiệt, điện, cơ khí, nhân công mà không hiệu quả. Nhưng nếu lò nung chạy từ 70% công suất trở lên, thì chi phí sản xuất giảm đi, năng suất lao động tăng, lương công nhân tăng và quan trọng là giữ được nguồn lao động.

Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xi măng (Vinacimex) cho rằng, nếu không tìm đầu ra cho xi măng bằng kênh xuất khẩu, thì các doanh nghiệp xi măng sẽ khó đủ đường. Trước hết, lượng xi măng dư thừa ra sẽ quanh quẩn ở thị trường nội địa, khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng mọi giá, kể cả bán phá giá để bán được hàng.

Mặt khác, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành mọi trách nhiệm về tài chính như nộp ngân sách nhà nước, trả nợ, lãi vay đầu tư, nhân công. Như vậy, thà xuất khẩu để hòa vẫn còn hơn để hàng tồn đọng.

Quan trọng hơn, giá xuất khẩu xi măng của các doanh nghiệp trong nước đang tăng dần. Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho biết, mặc dù gia tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng họ vẫn duy trì được mức giá xuất khẩu không thấp hơn giá bán nội địa, khoảng 38 - 39 USD/tấn clinker và 55 - 60 USD/tấn xi măng. Còn số liệu của Bộ Công thương về tình hình hoạt động ngành công nghiệp 10 tháng đầu năm 2014 cũng cho thấy, giá xuất khẩu clinker và xi măng đã tăng 3-4% so với cùng kỳ.

"Tận dụng mọi cơ hội để gia tăng xuất khẩu, nhưng chúng tôi không xuất khẩu bằng mọi giá, mà vẫn đảm bảo sau khi trừ chi phí, chí ít cũng phải bằng giá nội địa. Tuy nhiên, thực tế thì doanh nghiệp đang đàm phán được giá xuất khẩu cao hơn từ 5 - 10% giá bán nội địa", ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc phụ trách xuất khẩu Tập đoàn xi măng The Vissai khẳng định và cho biết, tới tổng sản lượng 7,6 triệu tấn, Vissai đang xuất khẩu gần 40% sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Australia, Pháp, Mỹ…

Liên quan đến câu chuyện xuất khẩu xi măng có lợi nhuận tới đâu, đại diện Vicem, doanh nghiệp chiếm 34% thị phần xi măng cả nước cho rằng, Vicem đã phải làm việc với Kiểm toán Nhà nước lẫn Thanh tra Nhà nước để giải trình về hiệu quả xuất khẩu xi măng và trên thực tế, cả cơ quan kiểm toán và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đều ủng hộ việc xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc Vicem..

Nhìn trước tương lai của ngành xi măng là cung sẽ vượt cầu, khi căn cứ vào tốc độ, số lượng dự án xi măng đầu tư trước năm 2010, từ năm 2009 và đặc biệt là năm 2010, Bộ Xây dựng đã liên tiếp đề nghị các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Trên thực tế, Vicem, Tập đoàn Xi măng The Vissai, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả… đã giúp vẽ nên bản đồ xuất khẩu xi măng của Việt Nam, đặc biệt ở thị trường Đông Nam Á và một số nước khu vực Trung Đông.

Đầu tháng 10/2014, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long đã xuất khẩu thành công lô hàng 4.000 tấn xi măng PC50 đóng bao 40 kg nhãn hiệu Thăng Long đi thị trường Philippines. Theo ông Mukhamad Saifudin, Tổng giám đốc Công ty, mở rộng thị trường xuất khẩu là điều kiện quan trọng để Công ty đạt được những bước tăng trưởng tích cực, tiến tới những mục tiêu xa hơn.

Và như một lẽ tất yếu, khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chưa có dấu hiệu tăng trở lại, thì xuất khẩu xi măng trong năm 2015, căn cứ vào kế hoạch của các doanh nghiệp đã có khách hàng, sẽ còn tiến xa cả về sản lượng lẫn giá trị.