Xuất khẩu xi măng cần chiến lược dài hạn

Do xu thế cung vượt cầu nên xuất khẩu xi măng từng được xem như một giải pháp tình thế để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, cần có chiến lược dài hạn thì mới có thể tận dụng lợi thế của Việt Nam về xuất khẩu xi măng.
Xuất khẩu tăng
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2014, trong tổng sản lượng tiêu thụ xi măng 70,58 triệu tấn, tăng 15% so với năm ngoái thì tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, tăng 10%. Riêng XK được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so năm 2013, trong đó, xuất khẩu XM tăng với 4,44 triệu tấn và 15,24 triệu tấn clanke. Những con số này cho thấy, XK xi măng đã dần trở thành một trong những kênh tiêu thụ quan trọng của ngành xi măng Việt Nam.

Sản xuất xi măng tại Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Bùi Hồng Minh cũng cho rằng, sở dĩ XK xi măng của Việt Nam tăng cao trong năm 2014 vì nhu cầu tiêu thụ xi măng của thế giới tăng nhưng một số quốc gia XK xi măng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không tăng nguồn cung. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm về khai thác thị trường, đàm phán hợp đồng… để hoạt động XK thuận lợi hơn. Nhờ đó, trong vài năm trở lại đây, XK xi măng không chỉ góp phần cân đối cung - cầu mà còn trở thành kênh hữu hiệu, góp phần điều tiết lượng hàng của ngành xi măng, giúp thị trường trong nước đỡ "ngột ngạt".
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, giá trị XK xi măng thu về ước đạt hơn 796 triệu USD. Đây là nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần tăng kim ngạch XK chung của cả nước, đồng thời giúp bình ổn cán cân thương mại. Đáng chú ý, giá trị XK cao hơn so với khoảng 2 năm trước. Giá xuất xi măng bình quân hiện ở mức 43,155 USD/tấn sản phẩm, tăng khoảng 2 USD/tấn. Như vậy, giá XK xi măng của Việt Nam đang dần cân bằng và tương đương với giá của mặt bằng xuất khẩu chung giữa các nước trong khu vực. Việc tăng trưởng XK xi măng khả quan trong năm 2014 đã chứng tỏ hoạt động XK xi măng đã đi vào nề nếp; chất lượng sản phẩm đã ổn định và được thị trường ghi nhận. Giá trị XK xi măng đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp chứ không phải là "giải pháp tình thế".
Nâng cao hiệu quả
Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, Việt Nam rất có lợi thế để phát triển sản xuất bởi nguồn nguyên liệu phong phú, có tới ¾ diện tích là núi mà trong đó núi đá vôi chiếm phần lớn; đồng thời có bờ biển dài với nhiều cảng biển rất thuận lợi cho việc XK... Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến nên Việt Nam hiện là một trong những cường quốc về xi măng ở Đông Nam Á. Nếu XK xi măng cần có bước đi thích hợp và từ nay đến khoảng năm 2025 - 2030 thì đây vẫn là con đường nên lựa chọn. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hoạt động XK xi măng thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Về tình hình XK năm 2015, theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong cả nước sẽ vào khoảng 71 - 73 triệu tấn, tăng 4 - 7% so với năm 2014. Trong đó, tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 52 - 53 triệu tấn và XK 19 - 20 triệu tấn, tương đương với mức XK của năm 2014. Với tổng số 74 dây chuyền sản xuất có tổng công suất đạt 77 triệu tấn, ngành công nghiệp xi măng hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cả XK.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Văn Tới lưu ý, doanh nghiệp XK xi măng nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc bán hàng chủ yếu qua khâu trung gian. Doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng dài hạn mà phần lớn là những hợp đồng ngắn hạn. Mặt khác, việc vận chuyển xi măng XK còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.
Trước thực trạng này, ông Tới đề xuất: Trong tư duy, nhà nước và doanh nghiệp không nên xem XK xi măng là công việc mang tính thời vụ, giải pháp tình thế mà cần tính chuyện lâu dài để đảm bảo có hiệu quả cao. Cạnh tranh không lành mạnh cũng là một "yếu điểm" trong hoạt động XK nói chung. Để có thể nâng được giá bán xi măng, ngoài việc doanh nghiệp phải cố gắng tối đa nâng cao chất lượng thì cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Vật liệu Xây dựng và một số ban ngành khác. Mục tiêu đặt ra là tạo được sự đồng thuận của các nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu dưới sự "điều tiết" của cơ quan quản lý để thống nhất một đầu mối liên hệ nhập khẩu xi măng. Như vậy sẽ tránh được hiện tượng dìm giá giữa các doanh nghiệp trong nước.
Quy hoạch phát triển xi măng sau vài lần điều chỉnh cũng nhấn mạnh mục tiêu tập trung đáp ứng cho thị trường nội địa và dành một phần XK. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, XK xi măng đang thiếu một chiến lược dài hạn và bài bản. Các khu vực sản xuất hàng hóa được tham gia XK thì nên được hoạch định vùng, phân định rõ nơi sản xuất đó là phục vụ cho XK. Với mặt hàng xi măng thì điều này lại càng cần thiết. Nhà máy ở gần cảng biển, có nguồn nguyên liệu tốt, đã đầu tư nhà máy công suất lớn, công nghệ cao thì nên ưu tiên XK bởi có thương hiệu mạnh, chi phí sản xuất thấp và sẽ cho hiệu quả rất cao. Còn nếu xuất hàng qua đường vận tải biển mà lại chọn những nhà máy cách xa cảng thì lộ trình không hợp lý, chi phí phát sinh tăng, giá cũng vì thế đội lên nên kém hiệu quả hơn. Bởi vậy, cần có định hướng xem DN nào phù hợp thì tập trung cho XK, còn doanh nghiệp nào thì phục vụ cho nhu cầu trong nước.