Xuất khẩu vào Mỹ: Mặt hàng nào dễ bị thanh tra?

Một trong những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam là chưa tiếp cận toàn diện để tìm hiểu về những quy định nhập khẩu cũng như các thủ tục liên quan khi đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tăng năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ, ngày 24/9, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty Registrar Corp (Mỹ) tổ chức hội thảo "Cơ hội xuất khẩu sang Mỹ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Công Thương, năm 2013 Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt gần 23,9 tỷ USD (tăng 17,5% so với năm 2012), riêng 7 tháng 2014 đạt 16 tỷ USD (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng khá.

Bà Bùi Hoàng Yến, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục xúc tiến thương mại phía Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, tuy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ đạt được nhiều kết quả khích lệ, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để tăng cường khả năng thâm nhập thị trường này cho những ngành hàng mới và mở rộng thị trường cho ngành hàng mới.

Hiện nay, một trong những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông- lâm- thủy sản, thực phẩm, dược phẩm... là chưa tiếp cận toàn diện để tìm hiểu về những quy định nhập khẩu cũng như các thủ tục liên quan khi đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ.

Ông David Lennarz, cựu chuyên gia kỹ thuật Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA), đồng thời là Phó Chủ tịch Công ty Registrar Corp cho biết: Cơ quan FDA thường lựa chọn thanh tra cơ sở thực phẩm nước ngoài đối với cơ sở có nguy cơ cao, hàng hoá đặc thù, từng bị từ chối nhập khẩu, nhà xuất khẩu mới đi với số lượng lớn... Trong đó, các hàng hoá có rủi ro cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ gồm: thực phẩm có axit, hải sản, trái cây và rau quả tươi, gia vị...

Ông David Lennarz khuyến cáo, nhà xuất khẩu Việt Nam phải thông báo cho Cơ quan FDA trước khi chuyến hàng đến Mỹ thay vì sau khi đến mới thực hiện thủ tục; đồng thời phải khai báo cho tất cả các chuyến hàng bằng đường biển, hàng không, chuyển phất nhanh hay đường bộ. Nguyên nhân đầu tiên mà sản phẩm bị lưu giữ là do quy cách ghi nhãn không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận, ghi chú cảnh báo sức khỏe không được cho phép... do đó doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý những vấn đề quan trọng này./.

Mỹ áp thuế 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm VN

Theo Mỹ Phương