Xuất khẩu trái cây đang đà tăng trưởng

Năm 2014, XK rau quả đã đạt thành tích ấn tượng 1,5 tỷ USD, trong đó đại đa số là từ XK trái cây.

Việt Nam cần làm gì để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh đà tăng trưởng XK trái cây trong những năm tới, Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Châu (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện CĂQ Miền Nam về vấn đề này.

15-59-10_nh-nguyen-minh-chu

Triển vọng lớn

Thưa ông, thị trường trái cây thế giới trong năm 2015 sẽ có triển vọng gì cho XK trái cây của Việt Nam?

Nhu cầu trái cây vẫn đang tăng lên. Nhưng cạnh tranh trên thị trường này là rất gay gắt. Bởi ở phần lớn các thị trường của trái cây Việt Nam, người ta cũng có sản xuất trái cây. Chẳng hạn một vùng lãnh thổ nhỏ như Đài Loan, mà trong một năm, đã có tới 5-6 tháng có trái cây nội địa, và đó là quãng thời gian người ta ít NK trái cây.

Dầu vậy, trên thế giới người ta vẫn cần NK một lượng lớn những loại trái cây mà Việt Nam có nhiều, nhất là những loại trái cây chưa được quan tâm tới nhiều như chuối già, chuối cau, đu đủ, dưa hấu, dứa Queen…

Đây là những loại trái cây mà khách nước ngoài khi sang Việt Nam có dịp ăn thử đều tỏ ra rất thích. Nếu tổ chức XK tốt, chắc chắn kim ngạch sẽ gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, đến nay, chúng ta đã nắm vững được mùa vụ, chủng loại trái cây nội địa của các thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng, qua đó tổ chức sản xuất và XK đến từng thị trường vào những thời gian phù hợp nhất.

Như ở Trung Quốc, nhãn chỉ có trong tháng 7 và 8, thì tránh đưa nhãn sang đó vào quãng thời gian ấy. Chôm chôm chính vụ của Việt Nam không thể cạnh tranh được với chôm chôm của Thái Lan, nhưng nếu sản xuất trong vụ nghịch thì lại có thể XK tốt. Nông dân trồng trái cây đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc sản xuất theo GAP, rải vụ, sản xuất trái cây có chất lượng tốt…

Việc nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho một số loại trái cây của Việt Nam trong những năm qua, cũng là một cơ hội tốt cho XK trái cây, bởi nó sẽ có những tác động tới các thị trường khác.

Chẳng hạn, khi Mỹ đã cho phép NK chôm chôm, nhãn hay thanh long từ Việt Nam thì sớm muộn gì các thị trường khó tính khác cũng sẽ có những động thái tương tự. Chính vì vậy, XK trái cây năm 2015 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng như trong những năm qua, và tăng so năm 2014.

Xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu

Tuy đang có đà tăng trưởng tốt, nhưng XK trái cây Việt Nam vẫn cho thấy sự thiếu bền vững. Theo ông, ngành hàng trái cây cần phải giải quyết ngay những vấn đề gì?

Nguy cơ lớn nhất của trái cây Việt Nam XK là hầu như các DN vẫn đang thu gom trên thị trường để phục vụ cho các đơn hàng. Thu gom như vậy hàng hóa rất khó đạt được sự đồng nhất về hình thức, chất lượng…

Về lâu dài, nó sẽ dẫn tới nguy cơ bị mất bạn hàng, thị trường, khiến DN bị thất bại trên thị trường XK. Mà để đạt được sự đồng nhất về hình thức, chất lượng trái cây, bắt buộc phải xây dựng các chuỗi giá trị trong ngành hàng này.

Hiện nay, trong khi ở nhiều ngành hàng nông sản quan trọng khác như lúa gạo, chăn nuôi… đã hình thành các chuỗi giá trị, thì ở ngành hàng trái cây gần như chưa có mô hình nào, kể cả với trái có giá trị XK lớn nhất là thanh long.

Chính vì vậy, Nhà nước cần quan tâm, đóng vai trò kết nối để doanh nghiệp và nông dân liên kết lại với nhau, cùng tạo ra chuỗi giá trị trong ngành hàng trái cây, mà trước hết là với những loại trái cây đang có ưu thế XK.

Qua đó, Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt chính sách và những hình thức hỗ trợ khác mà các Hiệp định thương mại quốc tế cho phép, nhằm giúp cho chuỗi giá trị được vận hành tốt hơn, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế chung cho đất nước. Nhà nước cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn tới khâu sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, bởi đây vẫn đang là khâu yếu nhất của ngành hàng trái cây.

Khi bắt buộc phải xây dựng chuỗi giá trị, lại cũng là cơ hội để các DN xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, có thể tới cả chục năm trời. Trong đó, việc tổ chức sản xuất trái cây theo chuỗi chính là bước đi đầu tiên.

Vì khi đã có được sản phẩm trái cây được sản xuất, kiểm soát theo một quy trình thống nhất do doanh nghiệp đưa ra, doanh nghiệp có thể dán logo của mình lên đó. Logo này sẽ dần trở nên quen thuộc với khách hàng quốc tế, và từ đó mà trở thành thương hiệu.

Nói tóm lại, xây dựng các chuỗi giá trị và thương hiệu trong ngành hàng trái cây là điều bắt buộc phải làm để sản xuất, XK trái cây của nước ta được bền vững và gia tăng mạnh về giá trị trong những năm tới.

Ngoài ra, việc xử lý triệt để các dịch bệnh đang làm tổn hại không nhỏ tới những loại trái cây có thị trường tốt, cũng là vấn đề cần phải thực hiện ngay và cần chú trọng những giải pháp đã có hiệu quả thực tế.

Như với bệnh chổi rồng trên nhãn ở ĐBSCL, hiện nay có một giải pháp rất khả thi là thay các giống nhãn đang bị chổi rồng hoành hành bằng giống nhãn Ido.

Thực tế cho thấy ở ngay nhiều vùng đang bị chổi rồng tàn phá nặng nề, những vườn trồng giống nhãn Ido lại có khả năng chống chịu tốt hơn hẳn. Giống nhãn này cho năng suất cao hơn nhiều giống khác. Bởi vậy, ở Đồng Tháp, nhiều nông dân chuyển sang trồng giống nhãn Ido đã đạt doanh thu gần 1 tỷ đ/ha.

Xin cám ơn ông!