Xuất khẩu thủy sản vào Nga: Đủ sạch vẫn phải chờ

Chỉ có 64 DN được xuất hàng vào Nga, 38 DN dù đủ tiêu chuẩn ATVSTP nhưng chưa có hợp đồng - vẫn phải chờ.

Cục quản lý chất lượng nông làm sản và thủy sản (Nafiqad) đã kiến nghị phía Nga xem xét bỏ điều kiện doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam phải có hợp đồng với nhà nhập khẩu Liên bang Nga mới đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào Nga và Liên minh Hải quan.

Vào cuối tháng 10/2014, đoàn thanh tra của Liên bang Nga và Liên minh hải quan (gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan) đã tiến hành thanh, kiểm tra một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu và đang đăng ký xuất khẩu hàng sang những thị trường này.

Dù đáp ứng đủ yêu cầu ATVSTP thì thủy sản của VN vẫn gặp khó trên thị trường xuất khẩu
Dù đáp ứng đủ yêu cầu ATVSTP thì thủy sản của VN vẫn gặp khó trên thị trường xuất khẩu

Kết quả, có 64 doanh nghiệp đáp ứng các quy định về vệ sinh thực phẩm của Việt Nam và Liên minh Hải quan, có hợp đồng với nhà nhập khẩu nên được xuất hàng vào Nga theo hợp đồng.

38 doanh nghiệp khác đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chung nhưng chưa có hợp đồng với nhà nhập khẩu Nga - nên vẫn phải chờ.

Theo phía doanh nghiệp, việc đặt điều kiện chỉ có những doanh nghiệp thủy sản nào có hợp đồng với nhà nhập khẩu ở Nga chẳng khác nào một "rào cản" cho doanh nghiệp, và phía chịu thiệt là người tiêu dùng Nga.

Theo đó, Cục quản lý chất lượng nông làm sản và thủy sản (Nafiqad) đã kiến nghị phía Nga xem xét bỏ điều kiện doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam phải có hợp đồng với nhà nhập khẩu Liên bang Nga mới đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào Nga và Liên minh Hải quan.

Thủy sản xuất khẩu sang Nga thời gian qua được đánh giá là giảm mạnh. Bằng chứng là trước năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 50 - 60% tuy nhiên từ năm 2012 đến nay tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ còn 10%.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Bình Giang - Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, có nhiều tiêu chuẩn của thị trường Nga thậm chí còn cao hơn châu Âu. "Các hàng rào cản phi thuế quan như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng… mà Liên bang Nga đang áp dụng đối với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ".

Ông Maxim Golikov Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam từng cho rằng, các sản phẩm của Việt Nam hầu hết đều không đạt chất lượng trong khi Nga có yêu cầu chặt chẽ.

"Hàng thủy sản là sản phẩm đặc biệt phức tạp, theo đánh giá của Nga hàng hóa Việt Nam không đảm bảo để xuất khẩu sang thị trường Nga", ông Maxim Golikov nói.

Áp lực cạnh tranh cao, nhiều nước tăng cường áp dụng rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu thời gian qua là những thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt là nguy cơ phụ thuộc vào một số thị trường nhất định có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường còn yếu, giá giảm,...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, gần đây một số thị trường truyền thống như Nga, Mexico…, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như tôm, cá tra, cá basa gặp khó khăn do các thị trường này đưa ra rào cản thương mại mới dưới hình thức các yêu cầu về mặt kỹ thuật về dư lượng kháng sinh, chất lượng thủy sản như hàm lượng nước trong cá tra.

Do vậy, khi không vượt qua những rào cản này, phía đối tác đã tạm thời ngừng nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam. Ngoài ra, do hàng hóa của chúng ta không ổn định về mặt chất lượng, kể cả sản phẩm cá tra, cá basa là những sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Chính vì vậy, với những thị trường có yêu cầu cao thì rõ ràng hàng thủy sản của Việt Nam đang gặp vướng mắc.

Không chỉ gặp khó về rào cản kỹ thuật mà ngay cả khi đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP thì xuất khẩu thủy sản của VN cũng đang gặp khó.