Xuất khẩu thủy sản năm 2014 có thể vượt mục tiêu 7 tỷ USD

(NDH) Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết xuất khẩu thủy sản đã vượt qua gần 2/3 “chặng đường” của năm và chắc chắn sẽ vượt mức kế hoạch 7 tỷ USD đề ra từ đầu năm 2014.

Kết quả đó có được là nhờ các doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu và tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tôm.

Xuất khẩu tôm tăng trưởng cao nhờ giá

Vasep cho biết trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,08 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tôm đạt giá trị cao nhất là 2,56 tỷ USD, tăng đến 48,3% so với cùng kỳ và chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS), các nguồn cung lớn trên thế giới như Thái Lan và Trung Quốc phục hồi chậm, trong khi giá cả tại nhiều thị trường nhập khẩu tăng cao giúp cho tôm Việt Nam cùng Ecuador, Indonesia và Ấn Độ trở thành những nguồn cung quan trọng trên thế giới.

Tận dụng cơ hội đó, Việt Nam trong khi duy trì diện tích nuôi tôm sú đã tăng diện tích nuôi tôm chân trắng thêm 245,3% tính đến cuối tháng 7/2014, giúp sản lượng tôm tăng mạnh, trong đó sản lượng tôm sú tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, còn tôm chân trắng tăng 449,4%.

Nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ, đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tăng lên trong nhiều tháng qua. Nửa đầu năm nay, giá trung bình của tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng khả quan, trong đó giá trị xuất khẩu quý 1/2014 tăng 163-299,5% so với cùng kỳ năm trước, còn quý 2 tăng 15-104%.

Xuất khẩu tôm sang các thị trường khác cũng tăng đáng kể. Kết thúc tháng 8/2014, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 5,2%, sang EU tăng 96,2%, sang Trung Quốc tăng 32,4%, và sang Hàn Quốc tăng 99,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược với tôm, xuất khẩu cá tra trong 8 tháng lại giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong năm nay.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ giảm lần lượt 7,3% và 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu 8 tháng đầu năm 2013, riêng 2 thị trường này đã chiếm tới 45,6% tổng giá trị xuất khẩu thì nay đã giảm 5,6% chỉ còn chiếm 39,7%. Sự giảm sút ở 2 thị trường xuất khẩu chính này đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chuyển hướng sang 2 thị trường nhỏ hơn là ASEAN và Brazil.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khác tăng trưởng khá: trong đó xuất khẩu cá các loại tăng 18%; nhuyễn thể tăng 13%; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 20,8%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cho rằng kết quả đó không được như mong đợi và nếu tình hình xuất khẩu quý 4 không khả quan thì tổng giá trị xuất khẩu hải sản cả năm chỉ xấp xỉ hoặc nhỉnh hơn so với năm 2013. Khó khăn chủ yếu là nguồn nguyên liệu trong nước và sự cạnh tranh gay gắt tại các thị trường nhập khẩu lớn.

Tăng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để tăng giá trị đơn hàng

Vasep cho biết ngoài sự nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm nguyên liệu nhập khẩu khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nhà máy.

Tính đến nửa đầu tháng 9 năm 2014, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản đã đạt 758 triệu USD, vượt 37,7 triệu USD so với cả năm 2013.

Việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đã được thực hiện từ năm 2013, với giá trị nhập khẩu là 720 triệu USD (tăng 10%). Trong đó, nhập khẩu cá các loại (chủ yếu là cá hồi) chiếm đến 35,77%, tiếp đó là tôm chiếm 32,8% và cá ngừ chiếm 22,2% tổng giá trị nhập khẩu.