Xuất khẩu rau quả: Kỳ vọng chạm mốc 2 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả năm 2015 và những năm tới sẽ còn tiến xa hơn, bởi ngoài sự tín nhiệm của các thị trường lớn, năng lực cung ứng hàng hóa đang tiếp tục được nâng lên.

Mới đây, Nhà máy Chế biến rau quả Bình Long công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm đã được Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).

Nhà máy mới đi vào hoạt động (dự kiến vào cuối năm 2015) sẽ giúp nâng công suất của Antesco (một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm rau quả nhiệt đới đông lạnh IQF và đóng hộp) lên gấp đôi so với hiện tại.

Xuất khẩu rau quả: Kỳ vọng chạm mốc 2 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả năm 2015 và những năm tới sẽ còn tiến xa hơn nhờ sự tín nhiệm của các đối tác và năng lực cung ứng tăng

Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT Antesco cho biết, xuất khẩu sản phẩm rau quả đang có nhiều thuận lợi và nếu không nhanh chóng đầu tư nâng công suất thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự bỏ qua cơ hội. Bên cạnh việc đầu tư nhà máy, Công ty cũng đã ký hợp đồng vùng nguyên liệu mới 3.700 ha cho nhà máy này, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu chế biến các loại rau quả đặc biệt, chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Cần phải nói thêm rằng, cả 2 nhà máy hiện có của Antesco đều áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của châu Âu và hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, HACCP, BRC. Năm 2014, Antesco đã xuất khẩu trên 11.000 tấn rau quả đông lạnh và đóng hộp đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, châu Âu...; đạt doanh thu trên 10 triệu USD, tăng 17% so với năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, do điều kiện khí hậu, đất đai rất đa dạng, nên rau quả của Việt Nam cũng có nhiều chủng loại khác nhau, được thu hoạch quanh năm, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó 50% là sản phẩm đóng hộp dành để xuất khẩu.

Năm 2014, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã lập kỳ tích lớn, khi thu về xấp xỉ 1,5 tỷ USD tổng kim ngạch, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013, vượt 300 triệu USD so với mục tiêu. Các thị trường lớn của rau quả Việt Nam là Trung Quốc (dù hoa quả Trung Quốc được xem là vẫn tràn sang Việt Nam), Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan…, với các mặt hàng như khóm, đậu bắp, nấm rơm, ớt, khoai môn, thanh long, măng cụt, mít….

Năm 2015, cơ hội xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở ra, khi mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý cho phép vải và nhãn tươi Việt Nam được xuất sang thị trường này (trừ 2 bang Florida và Hawaii) từ ngày 6/10/2014, nếu đáp ứng một số tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngay đầu tháng 12/2014, lô hàng nhãn tươi đầu tiên của Công ty Ánh Dương Sao (TP.HCM) đã được xử lý chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không. Tiếp theo Ánh Dương Sao, 3-4 doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị đưa nhãn Việt Nam vào Mỹ bằng cả đường hàng không và đường biển. Đây là dấu hiệu tốt để mặt hàng nhãn mở rộng thị trường xuất khẩu, để tránh tình trạng Trung Quốc là khách hàng độc quyền của mặt hàng này.

Để tận dụng tối đa cơ hội về thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp hoàn thành những điều kiện để xuất khẩu 2 loại trái cây trên vào thị trường Mỹ. Cụ thể, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan kiểm dịch của Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam, yêu cầu các nhà máy chế biến xuất khẩu hoàn thành xong "bản đồ chiếu xạ" đối với các loại nông sản này.

Mặc dù nhận định Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu rau quả, nhưng theo Vinafruit, lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn, đảm bảo nguồn cung đa dạng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với đà xuất khẩu như hiện tại, Vinafruit nhận định, thời điểm chạm mốc xuất khẩu 2 tỷ USD/năm đối với rau quả Việt Nam không còn quá xa.