Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 8 tháng đầu năm đạt khoảng 96,98 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ (tương đương 11,99 tỉ USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 95,29 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ (tương đương 10,19 tỉ USD). Xuất siêu cả nước khoảng 1,69 tỉ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tỉ trọng nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm từ 20,4% năm 2011 còn khoảng 14% năm 2014; tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% còn khoảng 6,2%; tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng mạnh từ 61,2% lên 74,1%. Đây là thông tin tại hội thảo "Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM vừa tổ chức tại TP HCM.
Theo Bộ Công Thương, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua còn một số tồn tại. Một số mặt hàng nông sản chủ lực còn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, xây dựng thương hiệu chưa hiệu quả. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, có đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung nhưng chủ yếu là gia công, tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp. Mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến và thương nhân xuất khẩu chưa được hiệu quả. Xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn hạn chế. Việc bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO chưa được hiệu quả.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), dự báo thị trường và các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng mặc dù chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu nhưng việc đầu tư của nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập; chưa xem hoạt động này như một chương trình quốc gia để đầu tư nguồn lực cần thiết. Mục tiêu phát triển hướng về xuất khẩu nhưng không được tách biệt với thị trường nội địa. Một sản phẩm muốn cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Một doanh nghiệp không thể có 2 loại sản phẩm: tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mà chỉ có một.
Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường, kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá. Về thị trường, vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm ở các thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường các nước thành viên còn lại của khối Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giúp doanh nghiệp tiếp cận.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác thông tin về cơ chế chính sách, tình hình thị trường trong nước và xuất khẩu, các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư. Ngân hàng ưu tiên tiếp cận, thẩm định, xem xét quyết định tài trợ, đáp ứng nhu cầu vốn, tài trợ thương mại của các doanh nghiệp thuộc thành viên CLB Doanh nghiệp xuất khẩu (VEXA). Ngân hàng cũng đã ký kết tài trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với tổng trị giá 1.400 tỉ đồng trong thời hạn 2 năm.