Xuất khẩu gạo 2015: "Cánh cửa" thu hẹp

XK gạo trong năm 2015 của các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Dự báo gạo của VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh trực tiếp với gạo của các nước này trong năm 2015.

Với những "bài toán" mới về XK gạo, Thái Lan bắt đầu "để mắt" tới nhiều phân khúc khác nhau trong đó có loại gạo thơm trung bình mà VN đang gần như "một mình một chợ". Hạt gạo cùng phân khúc với gạo Jasmine của VN mà người Thái gọi là gạo thơm Batum, đây được xem là "con át chủ bài" của Thái lan khi có độ thơm ngang ngửa với gạo Jasmine của VN và cùng được định giá là phẩm cấp trung bình. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu gạo Batum có giá ngang hoặc nhỉnh hơn một chút so với gạo Jasmine, chắc chắn gạo thơm Jasmine của VN sẽ khó bán hơn nhiều so với hiện giờ.

Tương tự, Ấn Độ - một trong những nước XK gạo hàng đầu trên thế giới trong niên vụ 2013-2014, sản lượng gạo của nước này cũng đạt kỷ lục 106,54 triệu tấn, kể cả 91,69 triệu tấn vụ hè. Với lượng gạo khá dồi dào như vậy, Ấn Độ cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh XK trong năm 2015, đặc biệt đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với VN.

Thực tế là trong vòng 2 năm qua, Ấn Độ đã vượt Thái Lan trở thành nước XK gạo hàng đầu thế giới.

Sự sụt giảm gạo của VN ở thị trường châu Phi trong năm 2014 và sự "trỗi dậy" của gạo Thái Lan và Ấn Độ tại thị trường này trong năm 2014 đang báo hiệu một năm đầy khó khăn cho hạt gạo VN.

Chưa hết, nếu như năm 2014 Trung Quốc cũng được xem là một thị trường XK cho gạo VN khi nước này nhập tới 2 triệu tấn gạo, chiếm 30% lượng gạo XK của VN thì trong năm 2015, nước này cho biết sẽ siết chặt nhập khẩu gạo VN qua biên giới theo đường tiểu ngạch và sẽ đẩy mạnh nhập khẩu theo đường chính ngạch. Đây lại là một khó khăn nữa cho con đường "xuất ngoại" của gạo VN.

Tại khu vực cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 5 nước Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda, một hàng rào bảo hộ gạo sản xuất trong nước đã được dựng lên. Biểu thuế hải quan ngoại khối áp dụng cho việc nhập khẩu gạo của các nước này trong năm 2015 đã tăng lên 35%, chứ không còn là 10% như trước tháng 7/2014...

Tại hội nghị tổng kết lúa gạo mới đây, ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch VFA cho biết, tình hình XK gạo trong năm 2015 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ có hợp đồng thương mại của các DN XK gạo được ký kết, trong khi chưa có các hợp đồng XK gạo tập trung. Đặc biệt gần đây, một số nước XK gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chiếm lại các thị trường truyền thống và sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới. Vì thế áp lực cạnh tranh đối với gạo XK của VN sẽ rất gay gắt. Ngoài ra, hạn mức nhập khẩu gạo trong năm 2015 chưa được cơ quan lương thực của Philippines công bố. Do đó, để bán gạo vào được thị trường này các DN VN sẽ phải cạnh tranh để bắt kịp động thái của các nhà XK gạo trên thế giới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi vụ đông xuân 2014 - 2015 chuẩn bị thu hoạch, sản lượng gạo cần tiêu thụ tăng cao.

Trước những gam màu ảm đạm cho kế hoạch đề ra khoảng 6,7 triệu tấn gạo trong năm 2015 mà VFA đã công bố, qua trao đổi với DĐDN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các DN cần nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do mà VN ký kết sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình XK gạo qua đó nghiên cứu thị trường để có chiến lược phát triển trung và dài hạn.

Bộ Công Thương mới đây cho biết, năm 2015 VN sẽ đẩy mạnh XK gạo sang thị trường Châu Phi. Và để chuẩn bị tốt cho định hướng này, Bộ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN XK thông qua việc hỗ trợ DN thành lập DN, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Đồng thời, cũng sẽ triển khai đề án đổi gạo VN lấy điều Châu Phi cũng như phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại VN và Châu Phi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và thanh toán xuất nhập khẩu... Bộ Công Thương cũng tập trung đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Côte dIvoire, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar...