Theo số liệu mới nhất từ VFA, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu đạt 6,316 triệu tấn, trị giá FOB đạt 2,789 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 441,62 USD/tấn.
Đánh giá về tình hình hoạt động xuất khẩu gạo năm 2014, theo VFA, so với năm 2013, số lượng xuất khẩu giảm 5,47%, nhưng trị giá FOB chỉ giảm 3,59% do giá xuất khẩu bình quân tăng. Nguyên nhân xuất phát từ xuất khẩu gạo thơm trị giá cao tăng mạnh, bù đắp sự sụt giảm loại gạo trắng 5% tấm.
Lý giải về sản lượng xuất khẩu gạo cả năm 2014 giảm, VFA cho rằng, do thị trường châu Phi giảm mạnh, trong khi gạo Việt Nam lại kém cạnh tranh so với Thái Lan và Ấn Độ; đồng thời xuất khẩu tại thị trường châu Á không bù đắp được.
Như vậy, xuất khẩu gạo chính thức của Việt Nam năm 2014 được xếp thứ 3 sau Thái Lan (10,5 triệu tấn) và Ấn Độ (10 triệu tấn).
Để "mở" cánh cửa xuất khẩu 2015 cần thêm "lực" từ ngành gạo trong nước
"Cửa" xuất khẩu cần thêm "lực"
Theo VFA, năm 2014 vừa qua, hoạt động tiêu thụ lúa gạo hàng hóa của nông dân gặp nhiều khó khăn hơn so với những năm trước do nguồn cung thị trường thế giới dư thừa. Do đó, giữa các nước xuất khẩu có sự cạnh tranh gay gắt hơn, đặc biệt là áp lực tồn kho lớn nên Thái Lan phải bán hạ giá để xả hàng.
Dự báo trong năm 2015, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), so với năm 2014, sản lượng toàn cầu sẽ giảm 0,4% nhưng tiêu thụ sẽ tăng 0,6%. Do đó, tồn kho gạo thế giới sẽ giảm tương ứng; còn thương mại gạo không thay đổi, vẫn ở mức 41,9 triệu tấn.
Còn theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2015, sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm 0,4% nhưng tiêu thụ tăng đến 1,7%. Theo đó, tiêu thụ cao hơn sản lượng 4 triệu tấn, kéo theo tồn kho giảm tương ứng; thương mại gạo giảm nhẹ ở mức 40,5 triệu tấn.
Từ các số liệu dự báo trên cho thấy, năm 2015, lượng tiêu thụ gạo toàn cầu tăng so với sản lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù tồn kho có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, theo số liệu của FAO, mức tồn kho lên tới 34,8% so với tiêu thụ.
Như vậy, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2015 sẽ diễn biến rất khó lường. Trong khi đó, xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc bị chặn khiến áp lực xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường khác sẽ rất lớn.
Trong năm 2015, với mục tiêu phải xuất hết lượng gạo hàng hóa được cân đối, nên lượng gạo xuất khẩu chính thức phải cao hơn năm 2014. Do đó, xuất khẩu gạo trong năm 2015 phải đạt ít nhất 7 triệu tấn. Nếu xuất thấp hơn, số lượng gạo tồn kho sẽ tăng lên.
Trước bối cảnh khó khăn này, theo VFA, ngành gạo Việt Nam phải củng cố và có giải pháp thích hợp đối với thị trường có hợp đồng tập trung để tạo điều kiện tăng thị phần ở mức cao nhất có thể được.
Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng cạnh tranh để khôi phục thị phần đã mất ở các thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các nước châu Phi và Hong Kong.
Theo các chuyên gia, Việt Nam không thể mãi trông chờ vào thị trường Trung Quốc mà cần phải chủ động thâm nhập, "tấn công" các thị trường khó tính nhưng có khả năng cạnh tranh như Mỹ, Nhật, Mexico, Chile sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương.
Trước mắt, dự kiến xuất khẩu gạo quý I/2015 đạt 900.000 tấn. Theo VFA, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua do số lượng hợp đồng đã ký năm 2014 chuyển sang rất ít, trong khi khả năng ký tiếp các hợp đồng mới chưa thật sự sáng sủa.