Xuất khẩu đồ gỗ: giấc mộng 7 tỷ USD

Con số 6,23 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2014 cùng với vị trí thứ 2 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất khu vực châu Á đã mang đến cho ngành chế biến gỗ Việt Nam một tình hình lạc quan hơn hẳn thời gian khủng hoảng vừa qua.

Xu hướng tích cực của thị trường giúp ngành này mạnh dạn hướng đến con số hơn 7 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, phải so sánh con số 40 tỷ USD xuất khẩu gỗ của thế giới mới phản ánh được thực chất vị trí của Việt Nam.

Thoát khó ngoạn mục

Trong buổi lễ khai mạc hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa-Expo 2015), ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (Hawa), Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kiến trúc AA, không khỏi tự hào khi nhắc đến con số hơn 6,23 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu của ngành.

Theo ông Khanh, dù tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ Việt Nam đã thoát khó một cách ngoạn mục nhờ vào sự năng động và linh hoạt.

Dày đơn hàng

"Không kể khối doanh nghiệp (DN) FDI, vốn có tiềm lực xuất khẩu mạnh hơn hẳn, hầu như các DN trong nước, có năng lực, kiên trì với ngành, đều đã có đơn đặt hàng dày kín, ít nhất là đến tháng 6/2015", ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch Hawa, Tổng giám đốc Công ty Oseven, chia sẻ.

Với ưu thế về mặt thị trường như châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ, lợi thế nhân công và trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồ gỗ nhiều nhất trên thế giới, đang bị áp lực về thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ thì Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho những nhà phân phối các nước. Tận dụng lợi thế này, những cái tên như Thịnh Việt, Minh Phát, Hiệp Long, Minh Dương... hiện đang là điểm sáng về xuất khẩu đồ gỗ.

6,23 tỷ USD
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ năm 2014 mang về hơn 6,23 tỷ USD, tăng hơn 11% so với con số gần 5,4 tỷ USD năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ các thị trường tiêu thụ lớn gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đều có sự tăng trưởng, như thị trường Mỹ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là gần 12,5% và gần18% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Phong, dư chấn từ khủng hoảng kinh tế không phải không còn. Những đơn hàng giá cao không còn nhiều như trước mà chủ yếu là các đơn hàng có giá hợp lý. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận về phía DN trong ngành vẫn không như kỳ vọng.

"Không chỉ cắt giảm lợi nhuận để tăng lợi thế cạnh tranh, DN trong ngành còn phải phá vỡ khá nhiều nguyên tắc mà trước đây vẫn kiên trì. Sự năng động và linh hoạt chính là chìa khóa giúp nhiều DN vượt khó thời gian qua", ông Phong nhấn mạnh.

Cụ thể nhất là việc cởi mở với những đơn hàng có số lượng nhỏ. Nếu như trước đây, DN xuất khẩu chỉ nhận những đơn hàng đủ container để vận chuyển, thì nay chỉ cần khách hàng đặt 100 hay thậm chí là 50 sản phẩm, họ cũng chấp nhận.

Đồng quan điểm, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Mifaco, cho biết, những khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến các DN nước ngoài e dè trong việc đặt hàng cũng như lưu tâm đến cắt giảm chi phí tồn kho. Cách làm của họ là những đơn hàng nhỏ để vừa không tốn phí lưu kho, vừa giảm rủi ro trong việc nắm bắt thị hiếu người dùng.

Quen với quy trình sản xuất số lượng lớn, nay phải thích ứng với việc sản xuất nhỏ lẻ thực sự là thử thách bởi sản xuất nhỏ cũng đồng nghĩa với chi phí đội lên nhưng đó là giải pháp tốt trong giai đoạn này. Không chỉ điều chỉnh sản xuất để phù hợp với những đơn hàng nhỏ, bản thân Mifaco cũng phải linh động trong phương thức thanh toán.

Cụ thể, với những đơn hàng từ Mỹ, Mifaco phải chấp nhận việc thanh toán sau khi xuất hàng. Quy trình kinh doanh vốn được xem là "nắm đằng lưỡi" này rõ ràng kém an toàn cho DN Việt Nam. "Không thể không chấp nhận yếu tố rủi ro. Phải tìm hiểu đối tác rất kỹ trước khi quyết định", ông Hiệp chia sẻ.

Tuy tăng trưởng không nhiều, chỉ khoảng 7% trong năm 2014 so với năm trước, nhưng những giải pháp trên đã giúp Mifaco tự tin đưa ra mục tiêu tăng trưởng hơn 10% trong năm 2015 này.

Nhiều đường đi

Là một trong những DN Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ và Canada lớn nhất hiện nay, ông Lê Đức Nghĩa, Giám đốc Điều hành Công ty An Cường, cho biết, tiềm năng xuất khẩu của ngành không chỉ tăng trưởng tốt mà chắc hẳn sẽ đột phá trong năm 2015. Các đơn hàng từ Mỹ và Nhật đang chảy về Việt Nam theo nhu cầu của người dùng các nước.

"Giá thành mà các DN Việt Nam đưa ra hiện nay là chấp nhận được, không rẻ như Trung Quốc nhưng so với các quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan... chẳng hạn, là chấp nhận được", ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, không cạnh tranh về giá nhưng DN Việt Nam lại đang mở một hướng đi mới để giành lợi thế. "Trước nay, Việt Nam chỉ sản xuất từ gỗ tự nhiên, chỉ có khoảng 5% DN dùng gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng dùng gỗ nhân tạo đang được các nước xung quanh khu vực như Thái Lan, Malaysia... ứng dụng để đưa hàng vào Mỹ và châu Âu rất tốt.

Đây là giải pháp triển vọng mà DN Việt Nam cũng đang manh nha đón đầu", ông Nghĩa nhận định. Hiện Việt Nam đã có những nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo rất lớn phục vụ thị trường như nhà máy của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản ở Long An, nhà máy của liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc) tại Bình Phước...

Các nhà máy này đều đang chạy hết công xuất. CEO của An Cường tiết lộ: "Năm 2014, An Cường đầu tư khá mạnh để tăng năng lực xuất khẩu. Mỗi năm, chúng tôi đầu tư khoảng 3 đến 5 triệu USD cho việc phát triển sản xuất từ gỗ công nghiệp, phục vụ xuất khẩu.

Nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày một khan hiếm, nếu không tính và có bước chuẩn bị ngay từ bây giờ thì đường dài, năm đến mười năm mữa, DN Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh tại thị trường thế giới".

Gánh nặng phận gia công

Hiện nay, đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Thua về chất xám

Năm 2014, tỷ lệ xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ lên đến 35,6%, tương đương 2,234 tỷ USD, lớn nhất so với tất cả những thị trường khác.

"Trong khi Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá thì Việt Nam không có mặt hàng nào bị Mỹ cảnh báo đỏ", ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hawa, chia sẻ. Đây rõ ràng là những thống kê đáng mừng, nhưng nếu nhìn mặt sau của bức tranh giao thương với Mỹ, lại là những thử thách không nhỏ.

Theo ông Hạnh, hiện Mỹ là nước đứng thứ 2 xuất khẩu gỗ vào Việt Nam. Nếu loại trừ yếu tố tạm nhập tái xuất thì chính Hoa Kỳ là nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam nhiều nhất. Đây cũng chính là nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Số liệu từ hải quan cho thấy, hiện Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu là 1,639 tỷ USD. Nếu tính cả giá trị nhập khẩu đồ gỗ thì con số này lên đến 2,239 tỷ USD. Như vậy, vị trí mà Việt Nam tham dự vào chuỗi sản xuất rõ ràng đang thiên về hướng gia công, tận dụng sức lao động vốn vẫn còn đang rẻ.

"Chúng ta thua hẳn về thiết kế nên việc hưởng lợi từ các giá trị gia tăng còn hạn chế. Chưa được đào tạo đúng mức cũng như thiếu cảm quan về sản phẩm nên các thiết kế của Việt Nam ít tạo được sự thoải mái cho người sử dụng. Sản phẩm làm ra khó thuyết phục khách hàng. Chủ yếu các DN Việt Nam đều dựa vào thiết kế từ phía đối tác đặt hàng", ông Lê Đức Nghĩa thừa nhận.

Theo ông Nghĩa, giải pháp của phần lớn DN Việt Nam là thuê các chuyên gia thiết kế nước ngoài, phí được tính trên tỷ lệ % số lượng sản phẩm. Trung bình, chi phí thiết kế một sản phẩm có thể lên đến 15.000USD.

Gánh nặng phí thiết kế vì vậy mà cũng hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của DN Việt. Ông Nghĩa chia sẻ: "Không thể trông mong vào khâu đào tạo ở các trường đại học, DN đang phải chủ động trong nguồn lực thiết kế".

Năm vừa qua, An Cường đưa đội ngũ thiết kế sang tập huấn dài ngày tại các nước châu Âu, Mỹ, Ý... tìm hiểu nguyên liệu, thói quen người dùng bản địa để nắm bắt thị hiếu khách hàng. Đầu tư không ít nhưng theo ông Nghĩa, đây cũng chỉ là cố gắng bởi thực tế trình độ thiết kế của Việt Nam vẫn đang cách các nước quá xa.

Lợi thế sân nhà

Không mắc phải điểm yếu này, lại có nhiều điều kiện thuận lợi như năng lực tài chính, hiểu thị trường quốc tế, tuy chỉ chiếm 16% trong tổng số 3.000 DN chế biến gỗ nhưng khối FDI lại có tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50%. Số liệu thống kê đến hết tháng 11/2014 cho thấy trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là gần 5,6 tỷ USD thì DN FDI chiếm 2,8 tỷ USD.

Trong khi đó, cùng kỳ năm trước (11 tháng năm 2013), kim ngạch xuất khẩu của FDI là gần 2,5 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành là gần 4,9 tỷ USD, tức tương đương 51%.

Dù kim ngạch xuất khẩu của DN nội đang nhích ngang bằng với DN FDI nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu. "Hiện tại, rõ ràng DN bản địa không thể so sánh với DN khối FDI, vốn đang phát triển mạnh và kinh doanh hiệu quả", ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Điều hành Công ty Scansia Pacific, nhận định.

Tuy vậy, ông Thắng vẫn cho rằng, DN Việt Nam vẫn đang phát triển, đặc biệt là nhóm DN sản xuất hàng nội thất đặt nhà máy tại Bình Dương. Bởi, tâm lý khách hàng đến Việt Nam vẫn thích làm việc với những DN địa phương.

Nguyên nhân là vì tính bền vững của DN bản địa, quan hệ với DN khác, với cơ quan quản lý cũng như vấn đề quản trị con người. Điều này chính là chìa khóa để DN Việt đến với những thị trường mới như Hàn Quốc, Malaysia, Anh...

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Mifaco, chia sẻ: "Tuy chỉ mới có những đơn hàng đầu tiên nhưng tín hiệu ban đầu ở những thị trường mới này rất thuận lợi. Quy mô nhỏ nhưng giá tốt". Vì điều này mà các DN Việt, điển hình như Mifaco, chọn Hàn Quốc và Anh để tập trung khai thác trong năm 2015 này.

Bám theo IKEA

IKEA là chuỗi cửa hàng đồ gỗ lớn nhất trên thế giới. IKEA bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 1994 và chính thức mua hàng vào năm 1996. Theo nhiều thông tin, IKEA không mở cửa hàng phân phối chính thức sản phẩm của Hãng tại Việt Nam trước năm 2020.

Nhưng từ nhiều năm nay, Việt Nam là quốc gia có mức phát triển kinh doanh cao nhất trong hệ thống của IKEA ở Đông Nam Á. IKEA cũng chọn Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba tại châu Á.

2,2 tỷ USD
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong năm 2014 tăng mạnh, ở mức 34% so với năm 2013, lên con số 2,2 tỷ USD, tăng 34%, trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm gần 27%, Campuchia chiếm gần 12%, Mỹ chiếm 11,5% và Trung Quốc là 10,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, để trở thành nhà cung cấp cho IKEA phải thỏa mãn các tiêu chuẩn về khả năng mua nguyên vật liệu, chất lượng, cam kết giá bán, tình hình tài chính, thái độ, phong cách quản lý, ngoài ra nhà cung cấp còn phải cam kết và thực hiện theo bộ tiêu chuẩn về môi trường.

"Trong giai đoạn khó khăn trước đây, điều nghịch lý là đơn đặt hàng từ IKEA không những không giảm mà còn tăng bởi thương hiệu này chuyên cung cấp hàng giá rẻ cho thị trường thế giới. Tuy đòi hỏi của IKEA khá cao nhưng nhờ vậy mà những DN Việt Nam có được hợp đồng gia công cho IKEA dễ dàng thoát khó cũng như có được nền tảng để phát triển trong giai đoạn này", ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, chỉ cần đáp ứng được những điều kiện của IKEA thì những hợp đồng với thương hiệu này giúp DN đảm bảo được sản xuất.

Trong 7 nhà máy của Scansia Pacific, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất đồ gỗ, sản xuất các sản phẩm từ sợi mây, lục bình, nhôm, sắt, nhựa... thì Scansia Pacific đã dành hẳn nhà máy ở Nhơn Trạch để phục vụ riêng cho IKEA.

Được xây dựng trên diện tích 5ha với vốn đầu tư 6 triệu USD, khả năng sản xuất của nhà máy này mỗi tháng khoảng 100-120 container sản phẩm. Ông Thắng tiết lộ: "Năm vừa qua, giá trị mà nhà máy này cung cấp cho IKEA là 20 triệu USD".

Tổng doanh thu của Scansia Pacific năm 2014 tương đương 30 triệu USD, mức tăng trưởng mỗi năm tương đương 15%. Rõ ràng, những đơn hàng của người khổng lồ IKEA đã đảm bảo cho Scansia Pacific nguồn thu đáng kể.

"Với những tín hiệu tốt như hiện nay, cộng với việc đơn đặt hàng đã kín đến cuối năm 2015, Scansia Pacific hy vọng mức tăng trưởng của năm nay sẽ tốt hơn, khoảng 17%", ông Thắng tự tin.