Xuất khẩu dệt may có thể đạt 23,6 tỷ USD

8 tháng năm 2014 xuất khẩu dệt may sang nhiều thị trường tăng trên 45%. Cá biệt, thị trường Senegal tăng tới 4.757%.

Xuất khẩu dệt may 8 tháng năm 2014 đạt 13,61 tỷ USD, tăng trưởng 18,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu vải các loại đạt kim ngạch 513,51 triệu USD, chiếm 3,77%.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng dệt may của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ 8 tháng đạt 6,5 tỷ USD, chiếm tới 47,75% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 1,68 tỷ USD chiếm 12,37%. Đứng thứ 3 là Hàn Quốc với kim ngạch 1,22 tỷ USD chiếm 8,94% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xét theo khối nước, lãnh thổ thì EU là thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam, trong đó Đức là nước nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 523,8 triệu USD.

Xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng năm nay sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đáng chú ý nhất là thị trường Senegal, tuy kim ngạchchỉ đạt 7,88 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì tăng rất mạnh tới 4.757%.

Bên cạnh đó, một số thị trường cũng đạt mức tăng trưởng cao như: Chile tăng 262,86%, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhấttăng 60,62%, Ghana tăng 52,91%, Ba Lantăng 46,84%, Australia tăng 46,16%, Tây Ban Nha tăng 42,92%.

Dự kiến, hết năm 2014 kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt 23,6 tỷ USD. Con số này đưa ra dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là, tại thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản, hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường. Trong khi tại EU, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường do nhu cầu hàng dệt may tại thị trường này rất lớn.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đang trong giai đoạn đàm phán tích cực, có thể sẽ kí kết vào cuối năm nay. Khi Hiệp định này được ký kết, hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương (VITIC) trích dẫn lời bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng, nhưng vẫn quá phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Theo bà Dung, sự gia tăng xuất khẩu cần hướng tới chủ động tham gia tích cực của ngành dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lĩnh vực này hiện đang lắp đặt thiết bị hiện đại sử dụng công nghệ sản xuất mới nhất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Thiết bị mới cũng đưa đến tăng giá trị gia tăng và giúp đa dạng hóa các dòng sản phẩm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, ngành dệt may trong nước cần có kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng quản lý để cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Để tăng giá trị gia tăng, các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước cần phải nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng các ngành công nghiệp hỗ trợ, và nghiên cứu thị trường một cách cẩn thận.