Theo đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng 10 là 4,3 triệu USD, chỉ bẳng 1% con số 400 triệu USD dự tính của GSO, nhờ đó bảo toàn mức thặng dư thương mại 2,36 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Tính riêng trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,067 tỷ USD, trong đó tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI và trong nước chiếm lần lượt là 65% và 35%, không thay đổi so với tháng 9, cũng đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài và chưa có nhiều cải thiện. Trong đó, mặt hàng điện tử dưới sự rượt đuổi sát sao của nhóm hàng dệt may, vẫn giữ vững vị trí là nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 10 với tổng giá trị xuất là 2,22 tỷ USD; trong khi của nhóm dệt may là 1,96 tỷ USD.
Ngoài ra, với diễn biến đi xuống của giá hàng hóa thế giới, giá trị xuất khẩu của một số nhóm mặt hàng giảm nhiều như hạt tiêu, than đá, hàng rau quả, xơ, sợi dệt. Đáng chú ý, đối với mặt hàng dầu thô, theo tính toán của của chuyên gia ngành RongViet Research, giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khoảng 96 USD/thùng, cao hơn 27% so với giá dầu WTI hiện đang ở mức 75,67 USD/thùng. Tổng thu ngân sách đối với mặt hàng này hiện đã vượt dự toán, do đó những lo ngại giá dầu tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch năm 2014 là không lớn. Tuy nhiên, RongViet Research cho rằng việc giữ dự toán thu từ dầu thô trong năm 2015 ở mức 100 USD/thùng là không khả thi bởi giá dầu thô thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm và hiện một số quốc gia khác trong OPEC như Nigeria hay Iraq đều giảm mức dự toán giá dầu cho thu ngân sách năm 2015 về lần lượt là 73 USD/thùng và 80 USD/thùng.
Hiện thế giới vẫn đang chờ đợi diễn biến từ phiên họp các Bộ trưởng OPEC ngày 27/11 tới để xem liệu tổ chức này sẽ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu khai thác để "cứu" giá dầu thô hay không. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu giá dầu thô lùi về dưới mức báo động là 70 USD/thùng thì khả năng cao OPEC sẽ phải "ra tay".