Báo cáo khảo sát của hãng tin Reuters ngày 27/2 cho thấy lượng cung dầu của OPEC đã giảm trong tháng 2/2015 do thời tiết xấu trì hoãn việc xuất khẩu tại các cảng miền nam Iraq, qua đó làm suy giảm tăng trưởng nguồn cung của nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong báo cáo trên, hãng tin Reuters cũng cho thấy sản lượng dầu mỏ trong tháng 2/2015 của Ả Rập Xê Út tăng nhẹ, một dấu hiệu cho thấy nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC vẫn đang giữ nguyên chiến lược tập trung vào thị phần dầu mỏ hơn là cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, sản lượng cung cấp dầu mỏ của OPEC trong tháng 2/2015 (29,92 triệu thùng/ngày) vẫn thấp hơn so với tháng 1/2015 (30,27 triệu thùng/ngày).
Những nguyên nhân chính khiến sản lượng dầu mỏ của OPEC suy giảm là do thời tiết xấu tại Iraq và tình hình bất ổn chính trị tại Libya.
Chuyên gia phân tích Olivier Jakob của Petromatrix cho biết: “Có thể đây không phải là một chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC mà đơn thuần là do việc giảm sản lượng tại phía Nam Iraq.”
Mức sụt giảm sản lượng dầu mỏ lớn nhất đến từ Iraq khi sản lượng xuất khẩu dầu tại vùng phía Nam sụt giảm từ tháng 12/2015 (từ 2,39 triệu thùng/ngày xuống 2,05 triệu thùng/ngày) do thời tiết xấu đã làm chậm việc bốc hàng và vận chuyển của những tàu chở dầu. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu của miền Bắc Iraq lại tăng nhẹ 50 nghìn thùng/ngày.
Nếu không có gì thay đổi, sản lượng tháng 2/2015 (29,92 triệu thùng/ngày) sẽ là mức sản lượng thấp nhất kể từ tháng 6/2014 của OPEC. Tuy nhiên, sự suy giảm sản lượng xuất khẩu tại miền Nam Iraq sẽ không diễn ra trong dài hạn khi Iraq đang cố gắng gia tăng công suất sản xuất dầu mỏ. Xuất khẩu dầu mỏ của nước này trong tháng 3/2015 được dự đoán sẽ tăng lên mức kỷ lục mới khi các vấn đề về kỹ thuật và thời tiết đã được khắc phục.
Một quốc gia khác cũng có sản lượng suy giảm trong tháng 2/2015 là Libya (xuống khoảng 270 nghìn thùng/ngày) khi sản lương sản xuất dầu của nước này tiếp tục sụt giảm do các mỏ và cảng chứa dầu bị đóng cửa trong tình hình xung đột vũ trang tại đây.
Những nước như Kuwait và Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều không có thay đổi nhiều trong sản lượng dầu mỏ.
Ngoài ra, thành viên OPEC Angola cũng có sự tăng nhẹ trong sản lượng vào tháng 2/2015 do những mỏ dầu mới tại vùng Sangos của nước này. Ngược lại, một thành viên khác của OPEC là Nigeria thì lại xuất khẩu ít hơn do sản lượng dầu thô tại vùng mỏ Qua Ibo của nước này suy giảm.