Nghị định 36 ảnh hưởng đến XK cá tra là không đúng
Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gần đây các DN XK cá tra "phàn nàn" thị trường XK vốn dĩ đã khó khăn, trong khi đó các quy định về đăng ký XK, tỷ lệ mạ băng trong Nghị định 36 chưa được tháo gỡ, khiến giá trị XK cá tra những tháng cuối năm vẫn còn giảm sâu.
Đại diện CtyCP Gò Đàng (Godaco Seafood) cho rằng, quy định về tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng độ ẩm 83% tại NĐ 36 là chưa phù hợp, "không giúp ích gì cho DN". Đây là nguyên nhân chính gây cản trở đối với XK cá tra và khiến giá trị XK cá tra bị sụt giảm trong thời gian qua và những tháng sắp tới.
Dẫn chứng thêm về sự sụt giảm này, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cũng cho biết, xuất khẩu cá tra vẫn còn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
"Dự báo, đến cuối tháng 9/2015, lũy kế kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước nhiều khả năng sẽ đạt 1,2 tỷ USD, cả năm 2015 có thể đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức tương đương năm 2014, khoảng 1,77 tỷ USD", ông Dũng nói.
Dự báo của VASEP lại kém lạc quan hơn khi cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2015 chỉ đạt khoảng 1,7 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước ý kiến Nghị định 36 gây cản trở đối với XK cá tra, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, "DN cho rằng quy định trong NĐ36 ảnh hưởng đến XK cá tra là không đúng, vì hiện tại Nghị định này chưa hề gây cản trở gì".
"Các DN phàn nàn nhiều nhất là quy định của Chính phủ về tỷ lệ 83% độ ẩm và 10% mạ băng mà Chính phủ quy định. Song, trong thực tế thời hạn phải áp dụng quy định đó đã được Chính phủ lùi cho đến hết năm 2015. Vì thế, trên thực tế, Nghị định 36 chưa có hiệu lực", ông Tuấn phân tích.
Đích cuối là người tiêu dùng, chứ không phải nhà nhập khẩu
Trước lập luận của DN là sản xuất theo nhu cầu của thị trường, theo ông Tuấn, DN nói chỉ đúng một phần sự thật.
"Đúng vì theo điều tra của chúng tôi, hiện tại, DN đang làm sản phẩm có từ 83-89% hàm lượng nước; mạ băng từ 10% cho đến trên 30%. Thực tế trên thị trường và các nhà nhập khẩu đang chấp nhận sản phẩm này. Nhưng, đích cuối cùng mà chúng ta hướng đến là người tiêu dùng", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng khẳng định, "quy định tỷ lệ mạ băng tối đa không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83% là có đủ độ tin cậy, cơ sở khoa học và thực tiễn để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và đảm bảo phát triển bền vững sản phẩm cá tra Việt Nam".
"Quy định 83% vì căn cứ vào hàm lượng nước của con cá khi chưa chế biến đã gần 80% và công nghệ xâm nhập nước cũng như vấn đề xử lý phụ gia cho phép thì đến 83% để đảm bảo chất lượng phi-lê của sản phẩm. Tỷ lệ mạ băng cùng quy định tỷ lệ nhất định để đảm bảo chất lượng sản phẩm, thông thường 5% là đạt chuẩn", ông Tuấn giải thích rõ.
Ông Tuấn cho biết thêm: "Chúng ta chỉ chấp nhận sản phẩm cá phi lê có chất lượng khác nhau nhưng không chấp nhận làm những sản phẩm quá xấu. Điều này đồng nghĩa với việc không cho phép các DN sẽ sản xuất phi-lê vượt quá 83% về độ ẩm và vượt quá 20% về mạ băng", ông Tuấn kiên quyết.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho DN, Chính phủ đã tạo ra một lộ trình để các DN thực hiện. Cụ thể là kéo dài thời gian chuyển tiếp áp dụng Nghị định 36 đến ngày 31/12/2015, nhưng với hàm lượng nước trong cá tra philê không quá 84,5% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc 85,5% xử lý mẫu theo Codex tương ứng mức tăng trọng 30%./.