8 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ chỉ xuất được sang 94 thị trường, trong khi năm ngoái là 102 thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Từ tháng 7, XK cá ngừ của Việt Nam đã hồi phục, tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm từ đầu năm, nên tổng giá trị XK trong 8 tháng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm. Bên cạnh đó, thị trường XK so với năm ngoái cũng đang bị thu hẹp.
Tổng giá trị XK cá ngừ trong tháng 8 đạt hơn 44 triệu USD, tăng hơn 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng giá trị XK trong 8 tháng đầu năm lên hơn 327 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ chỉ xuất được sang 94 thị trường, trong khi năm ngoái là 102 thị trường.
Cơ cấu mặt hàng cá ngừ XK của Việt Nam đã có sự thay đổi. Tỷ trọng XK các sản phẩm cá ngừ chế biến trên tổng giá trị XK tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, XK các sản phẩm thăn cá ngừ mã HS0304 và cá ngừ chế biến khác tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK các sản phẩm cá ngừ sống/ tươi/ đông lạnh/ khô và cá ngừ đóng hộp lại có xu hướng giảm.
Trong 8 tháng đầu năm, hầu hết tỷ trọng giá trị XK cá ngừ sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như, tổng XK cá ngừ sang Mỹ đạt hơn 114 triệu USD, giảm 17%; tổng XK cá ngừ sang Nhật Bản đạt hơn 17,5 triệu USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Sau sự sụt giảm hồi tháng 7, XK cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 8 đã có sự phục hồi, tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm. Tổng giá trị XK cá ngừ sang EU trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 92 triệu USD, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm 2013.
VASEP dự báo năm 2014, tổng kim ngạch XK cá ngừ đạt 530 triệu USD tăng khoảng 4% so với năm 2013. Với thị trường Nhật Bản, do được hỗ trợ nâng cao chất lượng sau thu hoạch, nên XK cá ngừ tươi sang thị trường này sẽ tăng nhẹ. XK sang thị trường Mỹ và EU sẽ phục hồi nhưng chậm do tại các vùng biển đang thực hiện các lệnh cấm về khai thác nên nguồn nguyên liệu NK cũng sẽ hạn chế.