Vận chuyển dầu nhiễm hóa chất siêu độc PCB. Ảnh: VOV |
Trước đó, ngày 7/10, hai xe thùng kín chuyên dụng này đã có mặt tại cảng Cái Lân, tiến hành bốc dỡ toàn bộ 35 phuy dầu nhiễm hóa chất siêu độc PCB được lưu giữ trong hai container tại cảng Cái Lân, bên bờ Vịnh Hạ Long.
Sau đó số dầu trên được vận chuyển với hành trình hơn 2.000km về Kiên Giang theo phương án đã được các bên liên quan chấp thuận và Bộ TN&MT phê duyệt.
Sau khi vận chuyển về nhà máy của Công ty Xi măng Holcim ở Kiên Giang, số dầu sẽ được xử lý tại đây theo công nghệ đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng.
Ngay trong tháng 10, Holcim sẽ lên phương án tiêu hủy hoàn toàn số dầu trên.
Với phần thân máy biến thế và gạch, cát nhiễm PCB còn lưu lại tại cảng Cái Lân, cũng trong tháng 10, chủ lô hàng là Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long sẽ thuê giám định hàm lượng PCB và lên phương án xử lý.
Đơn vị nhận xử lý lượng dầu chứa PCB cho biết, lò nung xi măng cung cấp môi trường nhiệt độ lên đến 2.000°C với thời gian lưu cháy dài, cho phép tiêu hủy hoàn toàn các hợp chất phức tạp, không phát sinh chất thải thứ cấp, đồng thời còn được trang bị hệ thống giám sát phát thải vận hành liên tục trong quá trình xử lý.
Phần vỏ máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB sẽ được đóng gói và vận chuyển sang Hà Lan để đối tác nước ngoài có kinh nghiệm xử lý.
Công ty này cho biết thêm, tùy thuộc vào đặc tính và mức độ nguy hại của chất thải mà quy trình xử lý sẽ khác nhau, do đó chi phí xử lý sẽ khác nhau.
Đối với dầu thải nhiễm PCB, chi phí xử lý còn phụ thuộc vào nồng độ PCB trong dầu, mức giá dao động từ 44-300 triệu đồng/tấn. Phần thiết bị sau khi được tháo hết dầu nhiễm PCB, do đối tác nước ngoài xử lý cơ bản ở mức 3-5 USD/kg.
Tháng 11/2007, Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty CP Đầu tư Cửu Long) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc để phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định.
Sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện trong máy biến thế có chứa PCB (loại hóa chất độc hại chỉ sau dioxin) trong dầu biến thế.
Theo quy định, lô hàng trên phải được tái xuất. Tuy nhiên, phía công ty nhập khẩu cho biết, không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Do lô hàng chưa thông quan nên buộc phải lưu tại kho ngoại quan của cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Với khối lượng lớn, tính chất nguy hiểm rất cao, không có hướng dẫn cụ thể về lưu trữ, vận chuyển nên gần 7 năm qua, lô hàng vẫn nằm ở sân cảng, cách vịnh Hạ Long không xa. Việc này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tàn phá di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long, nếu lượng dầu này bị tràn ra ngoài.
Đến tháng 5/2014, các bên liên quan mới tiến hành đóng gói lô hàng nhiễm PCB này. Số lượng dầu nhiễm PCB lấy ra từ máy biến thế khoảng 7.000 lít. Việc di chuyển lượng dầu nhiễm chất độc PCB ra khỏi Cảng Cái Lân đã được bàn đi tính lại nhiều lần. Đến đầu tháng 10/2014, các bên liên quan mới chốt được phương án di dời và xử lý.