Sẽ khó khăn?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 9, số hợp đồng XK đăng ký thêm chỉ ở mức thấp và giảm mạnh so với tháng 8. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng gạo đã ký hợp đồng XK vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 10%.
Nếu trừ đi gần 4,8 triệu tấn gạo đã giao cho khách hàng nước ngoài, thì lượng gạo đã ký hợp đồng còn lại, vẫn đang nhiều hơn so với lượng gạo tồn trong kho của các DN. Chính vì thế, các DN sẽ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh thu mua gạo phục vụ cho các đơn hàng XK đã ký cũng như sẽ ký trong những tháng còn lại của năm nay.
Dẫu vậy, khả năng giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong những tháng cuối năm được đánh giá là khó có khả năng tăng cao, mà chỉ có thể giữ ở mức như hiện tại, thậm chí có thể giảm nhẹ (trong tháng 9, giá lúa giảm 150 đ/kg so với tháng 8). Bởi đến thời điểm này, việc có thêm những hợp đồng XK lớn, nhất là hợp đồng cấp Chính phủ, là rất khó.
Có thông tin Philippines có thể mua tiếp cho năm 2015, nhưng sự thay đổi điều hành ở Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) sẽ làm trì hoãn việc này. Indonesia cũng có nhu cầu NK thêm, nhưng cũng giống như ở NFA, sự thay đổi điều hành ở Bulog sẽ làm chậm lại nhu cầu. Malaysia cũng gần như đã kết thúc mua cho năm 2014. Mọi hy vọng đều hướng về thị trường Trung Quốc mà nhiều khả năng sẽ trở lại vào cuối năm nay.
Trong khi đó, cuối năm là thời điểm mà hàng loạt nước XK gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia … bước vào thu hoạch vụ mới, khiến cho nguồn cung tăng lên khá nhiều.
Việc Myanmar vốn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc (60% lượng gạo XK của Myanmar là XK tiểu ngạch sang Trung Quốc) đang buộc phải tìm kiếm các nguồn khác sau khi bị Trung Quốc kiểm soát NK biên giới, cũng góp phần làm cho nguồn cung trên thị trường thế giới tăng lên.
Do đó, nhiều khả năng giá gạo trên thị trường thế giới trong thời gian tới sẽ giảm, gây khó khăn cho các nước XK gạo không chỉ trong cuối năm nay mà sang cả đầu năm 2015.
Sợ người Thái
Mấy năm trước, khi nói tới chuyện cạnh tranh giữa gạo Việt Nam với gạo Thái Lan trên thị trường thế giới, một số doanh nhân ngành gạo cho rằng, người Thái đang sợ người Việt. Hỏi vì sao? Mấy vị ấy bảo do giá rẻ hơn, lại là gạo mới, cộng với việc đẩy mạnh ký kết những hợp đồng cấp Chính phủ… đã giúp cho gạo Việt lấn dần gạo Thái ở nhiều thị trường quan trọng.
Ngay cả gạo thơm của Thái Lan, vốn nổi tiếng trên toàn thế giới từ nhiều năm nay và đã đứng chân vững chắc ở nhiều thị trường, nhưng cũng đã bị mất khá nhiều thị phần cho gạo thơm Việt Nam tại nhiều thị trường châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc …
Tuy nhiên đến thời điểm này, người Việt lại sợ người Thái trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới. Theo ông Phạm Văn Bảy, cái sợ trước hết là người Thái cũng đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng cấp Chính phủ với những nước có nhu cầu NK gạo lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc…
Hiện nay đang có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ Thái Lan với các nhà XK gạo truyền thống, thông qua Hiệp hội các nhà XK gạo Thái Lan, để tổ chức thực hiện các hợp đồng chính phủ.
Bởi vậy, về cơ chế XK, Thái Lan hiện đang khá giống với Việt Nam, nhưng Thái Lan lại có lợi thế là XK gạo cũ với giá rẻ, do đó có khả năng chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Ông Bảy cho hay, ở nhiều thời điểm, người Thái Lan còn chủ động hạ giá XK xuống trước cả Việt Nam. Khi đi đấu thầu, các DN Thái Lan cũng không bỏ giá cao như những năm trước đây nữa, mà sẵn sàng bỏ giá thấp hơn các nước khác để trúng thầu.
Bù lại, những DN ấy sẽ được chính phủ Thái Lan hỗ trợ bằng cách bán gạo cũ tồn kho với giá rẻ. Nhờ đó, các DN có thể lấy chênh lệch từ mua gạo tồn kho giá rẻ bù vào giá gạo bỏ thầu ở mức thấp.
Không chỉ gạo trắng, các nhà sản xuất gạo thơm Việt Nam cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng trước những động thái từ phía Thái Lan. Trước đây, Thái Lan XK chủ yếu gạo thơm cao cấp Hom Mali với giá cao (trên 1.000 USD/tấn), còn gạo thơm XK của Việt Nam là loại Jasmine chủ yếu ở mức giá trên dưới 600 USD/tấn.
Nhờ ưu thế giá rẻ hơn nhiều, gạo thơm của Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường quan trọng. Nhưng gần đây, ở Thái Lan, người ta bắt đầu đẩy mạnh sản xuất giống lúa thơm Batum. Đây là giống lúa thơm loại trung bình, tương đương với giống Jasmine của Việt Nam.
Do đó, khi tung ra thị trường, gạo thơm Batum của Thái Lan chắc chắn sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với gạo Jasmine của Việt Nam ở phân khúc gạo thơm phẩm cấp trung bình. Mà trên thị trường thế giới lâu nay, gạo Việt Nam nói chung thường cạnh tranh với gạo Thái Lan về mặt giá cả.
Nếu gạo Batum của Thái Lan mà có giá chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn một chút so với gạo Jasmine của Việt Nam, chắc chắn gạo thơm Jasmine của Việt Nam sẽ khó bán hơn nhiều so với hiện giờ.