XK bạch tuộc đông lạnh sang Hàn Quốc tăng mạnh

XK bạch tuộc đông lạnh sang Hàn Quốc tăng mạnh

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến tháng 11/2014, tổng giá trị xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc sang thị trường Hàn Quốc đạt 156,4 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị XK của bạch tuộc đông lạnh sang Hàn Quốc đã chiếm 35,7% tổng giá trị XK nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam, vượt xa so với thị trường XK lớn thứ 2 là Nhật Bản.

Có thể nói, năm 2014, thị trường Hàn Quốc tạo sức hấp dẫn lớn cho các DN XK hải sản Việt Nam.

Trong 9 tháng năm 2014, chỉ duy nhất tháng 1, giá trị XK giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2013. 8 tháng còn lại, giá trị XK sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng trung bình hằng tháng 20-35%.

Giá XK không cao tại ASEAN, Trung Quốc, Nga, Đài Loan và rào cản thương mại, kỹ thuật khó khăn tại thị trường Nhật Bản trong năm 2014, trong khi nhu cầu NK của Hàn Quốc tăng là những lý do chính khiến các DN XK Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường này.

Mặc dù XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc trong năm nay có thuận lợi hơn, nhưng có một rào cản không nhỏ tại thị trường NK lớn này là sự cạnh tranh gay gắt từ DN đối thủ Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 9/2014, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, giá NK mực, bạch tuộc trung bình từ Trung Quốc chỉ bằng 2/3 từ Việt Nam.

Giá NK trung bình mực, bạch tuộc của Hàn Quốc từ 3,68-4,12 USD/kg. Giá NK từ Việt Nam và Thái Lan đang ở mức tương đương nhau, dao động từ 5,34-6,55 USD/kg. Giá NK từ Trung Quốc chỉ bằng 2/3 giá NK từ Việt Nam. Đây là lợi thế của các DN Trung Quốc tại Hàn Quốc.

Ngoài Trung Quốc và Thái Lan còn có một số nguồn cung lớn đang cạnh tranh mạnh với mực, bạch tuộc Việt Nam tại Hàn Quốc như: Chile, Peru, Argentina, Indonesia, Malaysia, Philippines, Mauritania.

Theo dự báo của Vasep, đầu năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục tăng NK bạch tuộc, nhưng nếu không đủ lượng cho các đơn hàng lớn, các DN XK ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ để tuột về tay các DN XK Trung Quốc.

>>> Xuất khẩu thủy sản: Chưa mừng, đã lo

Theo Đỗ Hương