Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục và phát triển mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Câu chuyện về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống ở Hội An, tỉnh Quảng Nam là một điển hình.

Cơ sở sản xuất nước mắm Tư Tài là một trong những cơ sở sản xuất nước mắm bằng phương pháp thủ công truyền thống ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Để duy trì sản xuất, mỗi năm cơ sở này thu mua khoảng trên 50 tấn cá tươi các loại để sản xuất mắm nước và các loại mắm khác như mắm nêm, mắm ruốc và mắm thính.

Sản phẩm từ cơ sở sản xuất này nổi tiếng thơm ngon nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm được sản xuất công nghiệp, các sản phẩm ở làng nghề truyền thống nói chung và cơ sở sản xuất Tư Tài nói riêng đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhất là về mẫu mã và giá cả.

Bà Trần Thị Tư, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tư Tài cho biết cơ sở có đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nhưng sản phẩm nước mắm của cơ sở Tư Tài nói riêng và của làng nghề truyền thống nói chung thường có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Việc tiêu thụ sản phẩm từ các cơ sở sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào khách hàng truyền thống. Những năm trước, cơ sở sản xuất Tư Tài bán được từ 10-15 tấn sản phẩm/năm, nhưng năm nay do thị trường có nhiều loại mắm sản xuất công nghiệp nên mình tiêu thụ ít hơn.

Khó khăn nhất của người sản xuất nước mắm truyền thống là có quy mô nhỏ và phải mua nguyên liệu tươi sống nên giá thu mua đắt hơn, dẫn đến giá thành cao hơn, thời gian chế biến lâu hơn; trong khi đó sản phẩm nước mắm công nghiệp có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần, chi phí đầu tư cho sản xuất lại ít hơn, giá thành sản phẩm thấp hơn.

Khó khăn nữa là để có đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nước mắm quanh năm, người sản xuất truyền thống phải mua cá nguyên liệu từ tháng Giêng đến tháng Năm hằng năm để dự trữ, vì sau thời gian này nguyên liệu cá tươi thường có chất lượng kém hơn.

Tuy nhiên để mua được lượng nguyên liệu dự trữ cho cả năm thì người sản xuất lại gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Để cạnh tranh với các loại sản phẩm được sản xuất từ các cơ sở sản xuất công nghiệp có mẫu mã bắt mắt hơn và đặc biệt là giá thành thấp hơn, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, người sản xuất nước mắm ở các làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam đã tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đây quả thật là tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất nước mắm ở các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Lê Văn Giảng cho biết: "Sản phẩm nước mắn Hội An đã có tiếng từ lâu và đáp ứng được nhu cầu ẩm thực, nhất là khách du lịch khi đến thành phố Hội An. Trước sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nước mắm sản xuất công nghiệp, chúng tôi vẫn phải cố gắng giữ gìn trong điều kiện cho phép. Chúng tôi không phát triển ồ ạt mà chỉ hỗ trợ cho người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thương hiệu sản phẩm, làm sao để nâng cao được chất lượng sản phẩm và vẫn giữ được môi trường trong lành của thành phố du lịch. Đây chính là định hướng phát triển chung của các làng nghề truyền thống nói chung và các co sở sản xuất nước mắm truyền thống nói riêng ở thành phố Hội An."

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở công Thương Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh hiện có hàng trăm làng nghề truyền thống đang được khôi phục và phát triển. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất làng nghề thủ công truyền thống nói chung ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các làng nghề này phát triển bằng các chính sách hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ bù lãi suất vốn vay thương mại nhằm phát triển mạnh các cụm công nghiệp làng nghề và giúp các hộ, các cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam nhấn mạnh.