Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam

Dự báo năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1-2015, cả nước xuất khẩu 312 nghìn tấn gạo, trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, mở đầu cho một năm xuất khẩu gạo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tăng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2015 khẩu và bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa là vấn đề cần được tính toán ngay từ bây giờ

Sản lượng gạo xuất khẩu giảm

Năm 2014, xuất khẩu gạo cả nước đạt 6,3 triệu tấn; năm 2013 là 6,7 triệu tấn; năm 2012 ở mức kỷ lục 7,7 triệu tấn. Nước ta hiện giữ vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, đứng sau Thái-lan và Ấn Ðộ. Sự giảm dần đều này do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước xuất khẩu lớn, khiến Việt Nam bị mất thị phần ở nhiều thị trường. Năm 2014, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi đã giảm đến gần 60%, do sự cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của Thái-lan với lượng gạo tồn kho cũ và giá rẻ, khiến thị phần gạo Việt Nam ở thị trường châu Phi chỉ còn gạo thơm Jasmine. Tại thị trường châu Âu, lượng gạo xuất của nước ta cũng giảm tương đương, chiếm tới 57% so với năm 2013. Nguyên nhân là do gạo Việt Nam vào thị trường này phải đóng thuế cao, không cạnh tranh nổi với các nước được hưởng thuế ưu đãi phổ cập (GSP) và các nước được cấp hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế thấp hơn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những khó khăn trong xuất khẩu gạo năm 2014 đang tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2015. Thái-lan được dự báo tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới với số lượng kỷ lục 11 triệu tấn trong năm 2015 trên cơ sở bán tồn kho với giá cạnh tranh ở thị trường truyền thống châu Phi và tăng cường mở rộng thị phần thông qua các hợp đồng chính phủ, gồm: I-rắc, I-ran, Trung Quốc, Phi-li-pin và In-đô-nê-xi-a. Tại Ấn Ðộ, hạn hán đã tác động đến sản lượng gạo nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của nước này.

Trong khi các nước xuất khẩu gạo lớn vẫn duy trì và tăng trưởng sản lượng thì các thị trường nhập khẩu chính của nước ta lại bị thu hẹp, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Trong ba năm qua, Trung Quốc liên tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015, dự báo gạo xuất khẩu của Việt Nam vào nước này sẽ giảm mạnh, kể cả tiểu ngạch và chính ngạch do Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua hai triệu tấn gạo của Thái-lan. Mê-xi-cô cũng là thị trường có tiềm năng nhưng từ tháng 1-2015, nước này chính thức đánh thuế nhập khẩu gạo 20% và lúa 9% để bảo hộ sản xuất trong nước cho nên đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Hùng Linh cho rằng: Cung cầu gạo trong nước năm 2015 vẫn chờ cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng dự báo sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2014. Tuy nhiên, do tình hình thị trường gạo năm 2015 khó lường cho nên rất khó dự kiến kế hoạch xuất khẩu. Ðiều này đang là áp lực lớn cho các doanh nghiệp, bởi xuất khẩu gạo năm 2015 ít nhất phải đạt bảy triệu tấn thì mới hy vọng bảo đảm yêu cầu tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa trong nước. Nếu thấp hơn, số lượng tồn kho sẽ còn nhiều. Ðây chính là điều đáng ngại nhất bởi xuất khẩu gặp khó, lượng gạo tồn kho nhiều đồng nghĩa giá lúa gạo hàng hóa trong nước giảm, ảnh hưởng thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Anh Huỳnh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp cho biết: Khi VFA và các doanh nghiệp nhận định tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn thì nông dân cũng chỉ biết thế. Nhưng theo chúng tôi, hầu như năm nào phía VFA cũng kêu gặp khó trong xuất khẩu, nhất là khi các vụ lúa tại đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm thu hoạch rộ. Chưa biết các doanh nghiệp sẽ thiệt hại như thế nào nhưng những người trồng lúa thấy rõ tác hại vì giá lúa giảm mạnh, thậm chí xuống dưới cả giá thành sản xuất mà vụ đông - xuân hiện nay đang là một minh chứng. Hiện nông dân bán lúa IR50404 tại ruộng dao động ở mức giá 4.300 đến 4.350 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 đến 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 đến 4.750 đồng/kg. So với vụ thu đông vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 đến 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 400 đến 500 đồng/kg. "Với giá lúa này, nông dân cầm chắc thua lỗ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nếu không việc tái sản xuất vụ tiếp theo sẽ rất khó khăn"- anh Hải nhấn mạnh. Trước thực tế này, mới đây, tỉnh Ðồng Tháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014-2015 với số lượng 350 nghìn tấn quy gạo, với hy vọng giảm áp lực về đầu ra, giữ giá lúa không tiếp tục trượt dốc.

Tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ

Theo sát diễn biến tình hình xuất khẩu gạo của nước ta vài ba năm trở lại đây, có thể thấy rõ sự cạnh tranh gay gắt và biến động thị trường là những khó khăn "thường trực". Giải pháp đẩy mạnh lượng xuất khẩu gạo là khôi phục thị trường cũ và mở rộng thị trường mới. Theo VFA, cần củng cố và có giải pháp thích hợp đối với những thị trường có hợp đồng tập trung để tạo điều kiện tăng thị phần ở mức cao nhất có thể, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh để khôi phục thị phần đã mất ở các nước châu Phi và Hồng Công (Trung Quốc). Cần tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là đối với các thị trường khó tính nhưng có khả năng cạnh tranh và thâm nhập cao cũng như chuẩn bị sớm mọi điều kiện nhằm mở rộng thị trường gạo với Mỹ, Nhật Bản, Mê-xi-cô, Chi-lê sau khi kết thúc Hiệp định xuyên Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc vận động và đàm phán thiết lập quan hệ thương mại gạo chính thức với Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, những giải pháp đó mới chỉ là phần ngọn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải cơ cấu lại tổ chức sản xuất. Theo Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Bảnh, sản xuất trong nước phải hướng đến phát triển các giống lúa chất lượng cao, nhất là bộ giống gạo thơm và gạo đặc sản. Bởi vì, mặc dù chúng ta bị Thái-lan chiếm lĩnh thị phần ở một số thị trường nhưng phần lớn là thị phần gạo giá rẻ, còn thị trường gạo chất lượng cao vẫn bỏ ngỏ khá lớn.

Hiện nay, một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã có các vùng lúa chất lượng cao nhưng chưa nhiều và nông dân cũng chưa mặn mà tham gia. Nguyên nhân là do trồng lúa chất lượng cao đòi hỏi đầu tư nhiều tiền hơn và quy trình chăm sóc cũng phức tạp hơn. Chính vì vậy, tới đây, Nhà nước và chính quyền địa phương cần có cách thức hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông dân tham gia trồng các loại giống mới này. Ðây sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc triển khai thực hiện chủ trương liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Bên cạnh đó, một yếu tố không kém phần quan trọng là xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đó mới có thể ổn định chương trình xuất khẩu gạo nước ta.

Dự kiến xuất khẩu gạo quý I năm 2015 đạt 900 nghìn tấn. Ðây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua do số lượng hợp đồng đã ký năm 2014 chuyển sang rất ít, trong khi khả năng ký các hợp đồng mới lại chưa rõ nét. Công nợ tồn đọng và suy yếu tài chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.