Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết giá cơ sở (hình thành bởi bình quân 15 ngày giá nhập khẩu, thuế, phí…) hiện cao hơn giá bán lẻ của mặt hàng xăng là 1.100 đồng/lít, gần tương đương với mức chênh lệch ở thời điểm 4/6, là lần điều hành giá gần nhất.
Trong khi đó, mặt hàng dầu tạm thời hòa vốn, nghĩa là giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành đang tương đương.
Mặt hàng xăng đang dập dình tăng giá |
Nguyên nhân là trong những ngày qua, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore vẫn khá cao. Cụ thể, sau ngày 4/6, giá mặt hàng này có 2 phiên liên tiếp giảm, có thời điểm chốt ở mức 78,57 đô la Mỹ/thùng nhưng sau đó lại tăng khá. Đỉnh điểm, ở phiên ngày 10/6, RON92 chốt ở mức 85,02 đô la Mỹ/thùng. Ở hai phiên giao dịch gần nhất, ngày 11 và 12/6, giá dần giảm. “Giá giảm rồi tăng, đến nay thì trung hòa,” vị này cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, cơ quan điều hành đang cho phép doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sử dụng 1.047 đồng/lít xăng để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ.
Trong khi đó, cũng theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp hiện còn rất ít tiền. Nguyên nhân là suốt thời gian dài vừa qua, số trích lập (300 đồng/lít) thấp hơn rất nhiều số sử dụng (trên 1.000 đồng/lít đối với xăng; 700 – 800 đồng/lít đối với dầu).
Trước lần điều hành hôm 4/6, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có hai lần tăng liên tiếp vào ngày 5/5 và 22/5. Trong đó, xăng tăng tổng cộng 3.150 đồng/lít.
Trong khi mặt hàng xăng chịu áp lực tăng giá vào lần điều hành giá kế tiếp thì mới đây, theo báo cáo báo cáo tài chính hợp nhất quí 1/2015 chưa soát xét của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lợi nhuận sau thuế quí 1 của tập đoàn đạt hơn 461 tỷ đồng, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với công ty mẹ Petrolimex, con số lợi nhuận sau thuế được ghi nhận là hơn 90 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn ngày 11/6 kỳ họp Quốc hội thứ 9 khoá XIII vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã chia sẻ với nỗi lo mà đại biểu Quốc hội đặt ra là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất lớn, trong khi người dân phải gánh nhiều loại chi phí trong mỗi lít xăng.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, xăng dầu đang chịu quá nhiều chi phí từ chi phí định mức, lợi nhuận định mức…
“Nếu chi phí định mức xin được, chỉ cần tăng thêm 100 đồng một lít thì người tiêu dùng đã gánh thêm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nếu lợi nhuận được mặc định 300 đồng một lít, người tiêu dùng phải trả lãi 4.800 tỷ đồng. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng. Chính điều đó khiến dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận”, ông Hiến nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, vì điện, xăng là mặt hàng nhạy cảm nên cơ quan quản lý cần công khai minh bạch để đại biểu, cử tri nắm rõ.
“Công khai minh bạch là cơ chế tốt nhất để quản lý giá. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp mà các bộ cũng cần công khai giá đầu vào, hạch toán giá bán lẻ để mọi người giám sát”, ông nói.