Điêu đứng vì giá cước vận tải
Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 - 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận - một trong hai "thủ phủ" muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm và vẫn duy trì thấp cho đến nay.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, giá muối sản xuất giảm không chỉ vì "cung vượt cầu" mà còn một số yếu tố khác. Trong đó có việc sức mua của các doanh nghiệp chế biến hải sản yếu, và cước vận tải cao. "Trước, khi mua muối xong các thương lái tập kết và thuê tàu thuyền vào cập cảng Ninh Chữ vận chuyển với số lượng lớn ra Bắc tiêu thụ, đỡ tốn chi phí vận chuyển, nhưng nay cảng này không cho tàu thuyền lớn vào cập cảng, vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp, thương lái muốn vận chuyển muối phải đưa xe ô tô tải vào vận chuyển, nhưng cũng chỉ với số lượng ít khiến chi phí đội lên cao hơn", giám đốc một doanh nghiệp sản xuất muối ở Ninh Thuận cho biết.
Theo vị này, giá cước vận chuyển hiện quá cao so với trước và để quay vòng đồng vốn, nhiều diêm dân cũng như doanh nghiệp buộc phải giảm hạ giá muối để có sự cân đối giữa sản xuất, kinh doanh. Giá vận chuyển muối từ Ninh Thuận vào TP HCM đã tăng gần gấp đôi so với mức 400.000 đồng/tấn trước đây. Để bán ra thị trường phía Bắc, muối phải được vận chuyển bằng xe tải ra cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi mới đưa lên tàu thủy. Đây là một trong những lý do khiến chênh lệch giá muối giữa hai miền Nam - Bắc ngày càng nới rộng.
Vì sao "nội chê, ngoại thích"?
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, dù là quốc gia có bờ biển dài, có tiềm năng sản xuất muối với 21 tỉnh, 45 huyện, 125 xã sản xuất muối nhưng bao năm nay Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong vòng thừa muối "thô" mà thiếu muối "tinh" nên vẫn thường xuyên phải nhập khẩu muối. Điểm yếu của hạt muối Việt Nam là giá quá cao, còn muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế đều thấp.
Chia sẻ với Tiền Phong, một quan chức ngành công thương cho biết, muối Việt luôn gặp khó, diêm dân luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh là do việc quy hoạch ngành quá kém. Cùng đó, các cơ chế hiện nay giúp doanh nghiệp kiếm được đa phần lợi nhuận trong khi người dân chỉ "ráo mồ hôi là hết tiền" do giá trị hạt muối quá thấp.
"Hiện ngân sách chỉ mua muối để dự trữ, chỉ xuất ra khi có thiên tai lũ lụt. Khi được mùa, nhà nước cần mua dự trữ, mất mùa cần bán ra để điều tiết cung - cầu; có nghĩa là kết hợp chức năng dự trữ và chức năng điều tiết. Điều đó tưởng hiển nhiên, nhưng chúng ta vẫn chưa làm"
Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói
Tại nhiều hội thảo, các doanh nghiệp làm trong ngành công nghiệp thực phẩm nước ngoài cũng thừa nhận, muối Việt Nam nếu thanh lọc tốt có thể sử dụng trong công nghiệp, hay tiêu dùng đều rất tốt. Người tiêu dùng Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU rất ưa chuộng muối phơi cát miền Bắc được sản xuất tại Quỳnh Lưu.
"Hiện tại, sản phẩm muối của ta đã xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào... Xuất khẩu muối của Việt Nam chưa phát triển song đã bắt đầu nhen nhóm từ khoảng chục năm nay. Một số khách hàng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) muốn mua muối của Việt Nam bởi muối Việt được làm theo phương pháp thủ công nên giữ được nhiều vi chất từ nước biển, đồng thời có hàm lượng NaCl khá cao (95%)", ông phân tích.
Để nâng cao giá trị hạt muối Việt, mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT có quyết định (số 4513) phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng phát triển sản xuất muối theo phương pháp hiện đại để tăng chất lượng hạt muối.
"Theo dự báo, nhu cầu sử dụng muối cho tiêu dùng và sản xuất nông - công nghiệp năm 2015 là 1,5 triệu tấn trong khi tổng sản lượng muối hiện nay cả nước mới đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Phần thiếu hụt sẽ chủ yếu là loại muối công nghiệp", Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối khuyến nghị.