Việt Nam lãng phí hàng tỷ USD trên đồng ruộng

Việt Nam đang lãng phí tới hàng tỷ USD do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống… “vãi” vô ích trên đồng ruộng.

"Các ông" Vinafood không thể lần khân mãi

Tại hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt hôm qua 23/9, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong chuỗi lúa gạo hiện nay, nông dân đầu tư 83%, nhưng hưởng lợi chỉ hơn 50%. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) đầu tư chỉ 4-5%, nhưng hưởng lợi tới 30%.

Đây là một bất cập trong việc phân bổ lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Theo ông, để đảm bảo lợi ích của nông dân, tới đây, cần đổi mới Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- đơn vị đang điều hành việc xuất khẩu gạo của cả nước.

Trong đó, VFA sẽ có sự tham gia của đại diện các địa phương, nông dân, hợp tác xã, thương lái, để có tiếng nói thống nhất trong xây dựng chính sách, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Ông Quảng cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa giá gạo xuất khẩu bình quân lên 600 USD/tấn với gạo trắng, hạt dài (hiện bình quân 450 USD/tấn), 800 USD/tấn với gạo thơm, đặc sản; doanh thu trên mỗi ha lúa là 120 triệu đồng. Từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Còn ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam nói: "Nông dân lâu nay là người chịu thiệt thòi nhất, vì đầu tư nhiều nhất, nhưng hưởng lợi thấp nhất. Ở các vùng sản xuất lúa tập trung, hiệu quả rơi vào DN xuất khẩu, thương lái".

Theo ông Ngọc, để nông dân trồng lúa lãi 30% như mong muốn của Chính phủ là việc rất khó. Ông cho rằng, hai "ông lớn" trong ngành lúa gạo là Vinafood1 và Vinafood2, do lợi nhuận từ thương mại lớn, nên họ chưa quan tâm đến nông dân.

"Cái này họ biết, nhưng có thể họ làm lơ. Rõ ràng, phải có cơ chế bắt họ phải tham gia, nếu không, nông dân sẽ hiểu lầm, Nhà nước đồng hành với nhóm lợi ích này"- ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc biết: "Nhà nước tạo điều kiện cho DN về cơ sở vật chất, vốn liếng… nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lần khân mãi. Đáng ra, họ phải gắn bó với nông dân nhiều hơn. Một bài học là vừa rồi, các tổng Cty đầu tư ra ngoài ngành không mang lại hiệu quả".

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: "Tôi đã yêu cầu Vinafood 1 và Vinafood 2 chỉ đạo các đơn vị thành viên, phải tham gia sâu hơn vào các công đoạn của sản xuất lúa gạo, từ nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất cung ứng giống cho dân theo yêu cầu của thị trường.

Tham gia vào chuỗi liên kết, giữa DN với nông dân, để đặt hàng nông dân, sản xuất loại gạo đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường, đem lại thu nhập cao hơn, ổn định hơn cho nông dân". Theo ông Phát, hiện các DN thuộc 2 đơn vị trên đã tham gia vào các cánh đồng lớn, tuy nhiên, họ mới bắt đầu.

Lãng phí hàng tỷ USD

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD phân bón, nhưng trong đó lãng phí 2 tỷ USD. Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân lãng phí là do độ PH đất của Việt Nam thấp, dưới 5, thậm chí dưới 2, gây ngộ độc cho nhiều loại cây. PH thấp dưới 5, khiến hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt 40%.

Chưa kể, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang gây thiệt hại cho nông dân. "Không có nước nào có tới 5.000 loại phân bón như nước ta, với 4.000 - 5.000 cơ sở sản xuất, trong đó có những cơ sở chỉ vài chục mét vuông, vài cái xẻng, cái cuốc, là thành nhà sản xuất. Đây là tình trạng mà đối với những DN làm tốt cũng không yên thân"- ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng Cty Giống Thái Bình (TSC) cho biết, tình trạng lãng phí lúa giống hiện nay đang báo động. Theo ông, ở Thái Bình hiện đang sử dụng hầu hết các giống của TSC, chỉ dùng 20 - 25 kg thóc giống/ha, cho 8 tấn/ha.

Trong khi đó, lượng thóc giống gieo ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long lên 100 - 200 kg/ha. Nếu ở đồng bằng sông Cửu Long tiết kiệm được 50% số lúa giống/ha, mỗi năm tiết kiệm được nửa triệu tấn thóc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, giảm thiểu sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu… để giúp nông dân giảm đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

"Có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên ruộng mà vẫn không ảnh hưởng đến năng suất. Theo khảo sát của chuyên gia quốc tế, 80% thuốc nông dân ta đang phun không đúng đối tượng, gây ô nhiễm môi trường, khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm".


Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng

Bảo vệ Thực vật