Việt Nam chi gần 100 triệu USD nhập than Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, từ đầu năm đến hết tháng 9/2014 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, giá trị kim ngạch là 92,5 triệu đô la Mỹ (tương đương 1.932 tỷ đồng).

Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than đá từ Trung Quốc trong năm nay. Đây là điểm khác biệt vì từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu than sang Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị như Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí mới thí điểm nhập khẩu hơn 9.500 tấn than cám từ Indonesia và 41.500 tấn than antraxit từ Nga.

Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than đá của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than đá của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Số than cám của Indonesia được phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam và than antraxit - (than chất lượng cao của Nga để pha trộn với than chất lượng thấp trong nước) phục vụ nhiệt điện phía Bắc.


Hiện có các nhà máy như Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Duyên Hải 3 (1.200MW), Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1… được bố trí sử dụng than nhập khẩu.

Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhập khẩu than cho các nhà máy của mình, thì Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng được phép tìm kiếm đối tác nhập khẩu than cho các nhà máy của PVN nhằm tránh sự lệ thuộc vào Tập đoàn Than và khoán sản Việt Nam.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Giá trị nhập siêu được Bộ Công Thương dự báo là từ 6 - 8 tỷ USD, bằng 5% giá trị xuất khẩu cả năm và Bộ cũng chỉ rõ nhập khẩu than cũng là 1 nguyên nhân khiến tăng nhập siêu.

Theo Quy hoạch điện 7 của Chính phủ, để đáp ứng như cầu điện năng tăng cao, bắt đầu từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ nhập khẩu 23 - 25 triệu tấn than/năm. Đến năm 2020 mức nhập khẩu than trung bình là 20-30 triệu tấn/năm. Cũng từ năm 2015 trở đi, 1/3 nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước sẽ phải dùng than nhập khẩu.