Việt Nam chi 5,7 tỷ USD nhập khẩu sữa

Năm 2013: Việt Nam tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa quy đổi vào khoảng 18 lít/người.

Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo ngành sữa Việt Nam chiến lược phát triển đa dạng hóa sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng do Hiệp hội sữa Việt Nam phối hợp Hội Khoa học và công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam tổ chức sáng nay 9/9.


PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, tổng đàn bò sữa của nước ta đến tháng 1/2014 là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Tính đến năm 2013, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa quy đổi khoảng 18 lít/người, trong đó sữa tươi chiếm 5,1 lít/năm.

Tuy nhiên, sản lượng sữa tươi tự sản xuất trong nước mới đạt 456,4 nghìn tấn trong năm 2013, chiếm 28%, 72% còn lại là từ nguồn nhập khẩu. Tính chung từ năm 2007 đến tháng 8/2014, Việt Nam nhập khẩu hơn 5,7 tỷ USD sữa và sản phẩm từ sữa và con số này tăng trung bình 14%/năm. Riêng trong năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đã chiếm 1,089 tỷ USD.

Nếu Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2045 sẽ tự sản xuất được 60% sản lượng sữa tươi và nhập khẩu 40% thì cần phát triển đàn bò cho sản lượng 5.650 ngàn tấn sữa tươi/năm và lượng sữa nhập khẩu chỉ là 2.250 ngàn tấn sữa quy đổi, tương đương giá trị nhập khẩu 3,6 tỷ USD/năm.

Mặc dù Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn sản lượng sữa tiêu thụ trong nước, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, trong thời gian quan, ngành sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về công nghệ chế biến, chăn nuôi bò sữa cung cấp nguồn nguyên liệu và thương hiệu được khẳng định.

Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang có kế hoạch tham gia đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa. Đây là bước phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam khi các trang trại quy mô công nghiệp hiện đại ra đời bên cạnh những trang trại quy mô gia đình. Điều này chứng minh sự phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa và là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hiện nay, chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển khá tốt, vượt xa cả một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philipin... Việt Nam hiện có 15 trang trại với quy mô từ 1.000 - 5.700 con bò, 5 trang trại có quy mô lớn tương tự đang được xây dựng, cung cấp 30% tổng sản lượng sữa tươi tự sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành Vinamilk, công ty hiện giữ hơn 50% thị phần sữa tại Việt Nam cho rằng, ngành chế biến sữa trong nước đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại, có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới, trong đó điều hình là 2 nhà máy chế biến sữa của Vinamilk với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các công ty sữa trong nước cũng chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu sữa cho các nhà máy chế biến của mình như hỗ trợ hộ gia đình phát triển, chăn nuôi bò sữa, xây dựng trang trại bò sữa quy mô lớn.

Các trang trại này không những hiện đại về thiết bị chuồng trại, quy mô mà còn tiên tiến trong các mô hình quản lý vận hành, tuân thủ các yêu cầu khắt khe nhất của ngành sữa, ngành thực phẩm thế giới như Viet Dairy GAP, Global Gap, ISO... Việt Nam cũng đã có những hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế Global Gap tại Nghệ An, Lâm Đồng, Tuyên Quang và Vinamilk là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có hệ thống trang trại đạt chứng nhận này.

Thực tế đó cho thấy ngành sữa Việt Nam đang đi đúng lộ trình phát triển bền vững là kết hợp phát triển công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nguyên liệu, đáp ứng số lượng và chất lượng một cách bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2014, sản lượng sản xuất sữa bột của Việt Nam đã tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2013. Việt Nam là một trong số ít các nước tại Châu Á có xuất khẩu sữa. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa trị giá hơn 230 triệu USD, trong đó chủ yếu là sản phẩm của Vinamilk với giá trị hơn 210 triệu USD.

Tuy nhiên, để ngành sữa Việt Nam phát triển hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu trong nước và dần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua như phát triển các trang trại quy mô lớn, bởi các trang trại nuôi bò sữa quy mô nhỏ hiện chiếm tới 66%. Kiến thức về quản lý trang trại bò sữa của nông dân còn yếu nên cần được tập huấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức cho họ.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản lý giống quốc gia, bảo vệ ngành sữa trong nước bằng các hạn ngạch và cần thiết lập hội đồng sữa quốc gia có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.