Việt Nam cần cải tổ toàn diện ngành lúa gạo

Ngành lúa gạo của Việt Nam cần thay đổi về phương thức sản xuất, cách chọn tạo giống, phát triển chế biến sâu và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới… Đổi mới ngành lúa gạo có thể thay đổi công thức về cải thiện đời sống cho người dân nông thôn….

Đ ó là những đánh giá và đề xuất của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại hội thảo "Đổi mới ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững" khai mạc 26/11, tại Hà Nội.

Theo TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc IRRI, măc dù Việt Nam dư thừa lúa gao và xuất khẩu rất nhiều lúa gạo đến nhiều nước trên thế giới, nhưng chất lượng gạo của Việt Nam còn chưa cao, giá gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước xuất khẩu gạo khác và người nông dân vẫn rất nghèo đói. Do vậy, đã đến lúc ngành lúa gạo cần phải cải tiến nhiều mặt bao gồm cả về phương thức sản xuất lúa gạo, chọn tạo giống lúa, và đáp ứng những nhu cầu về dinh dưỡng gai tăng ở Việt Nam cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam…

TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc
TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (Ảnh: T. Nguyên)

"Thông thường người ta hay nghĩ rằng: Cách tốt nhất để người nông dân, những người sống ở nông thôn cải thiện cuộc sống là đi đến đô thị, nhưng cách đổi mới ngành lúa gạo có thể thay đổi luôn công thức về cải thiện đời sống cho người dân mà không phải đi đâu xa," TS. Robert Zeigler nói.

Theo ông Robert, khi tăng trưởng kinh tế càng cao thì nhu cầu về lúa gạo, chất lượng lúa gạo càng tăng. Ngay trong nước cũng đã có sự gia tăng nhu cầu đối với chất lượng lúa gạo, nếu sản xuất lúa gạo hợp lý chúng ta có thể đạt được giá trị gia tăng. Với thị trường thế giới, khi chúng ta đổi mới và cải cách sản xuất lúa gạo từ một nước sản xuất lúa gạo đẳng cấp chất lượng trung bình chúng ta có thể đạt được đẳng cấp sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.

"Tôi tin rằng đây là cơ hội và định hướng cho tương lai của chúng ta để có thể thay đổi ngay cách tương tác của lúa gạo Việt Nam ngay trên thị trường thế giới. Việt Nam có cơ hội để đi đầu, có rất nhiều cách để định hình thị trường lúa gạo Việt Nam trong 10 năm nữa sẽ là như thế nào ... Chúng ta đã thay đổi các sản phẩm lúa gạo và sẽ tiếp tục theo những phương pháp hoàn toàn mới để có thể nâng tầm lúa gạo chúng ta trên trường thế giới lên một đẳng cấp có thể cao hơn cả Thái Lan, không chỉ về chất lượng cao hơn, mà giá cả còn rẻ hơn, đóng góp vào sự phong phú của lúa gạo toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu. Có thể mọi người cho rằng chúng tôi quá lạc quan, nhưng chúng ta không thể thành công nếu chúng ta không cố gắng, TS. Robert khẳng định.

Trao đổi với PV Dân trí, TS. Robert cho rằng: Giống lúa và chế biến sau thu hoạch là hai trong số các khâu yếu nhất của ngành lúa gạo Việt Nam. Để cải thiện chất lượng lúa gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập của người nông dân, Việt Nam cần thay đổi cách chọn tạo giống để tập trung vào các giống lúa chất lượng cao hơn. Đồng thời, cũng cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thay vì xuất khẩu cho nhiều nước với giá rẻ thì nên có những thị trường tập trung với giá cao hơn và để làm được điều này thì cần đầu tư mạnh mẽ cho khâu chế biến sâu sau thu hoạch.

Để giúp ngành công nghiệp lúa gạo phát triển hướng tới chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, bền vững và tăng thu nhập cho ngừoi nông dân, Tiến sỹ Robert cho biết, cách đây 10 tháng IRRI đã cử 3 nhóm các nhà khoa học sang Việt Nam để tìm hiểu và hỗ trợ. Các chương trình nghiên cứu và phát triển hỗ trợ kỹ thuật do IRRI đề xuất sẽ góp phần làm hiện đại hóa ngành lúa gạo Việt Nam thông qua việc chuyển đổi con đường phát triển hiện nay sang sự phát triển toàn diện, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2015-2020, chương trình sẽ tập trung vào 6 sáng kiến gồm: Lai tạo các giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản, đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, giảm tổn thất trước và sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo, các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở địa phương vì một chuỗi giá trị đàn hồi.