Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), diện tích gieo trồng lúa của cả nước đạt khoảng 7,8 triệu héc ta năm 2013, trong đó diện tích gieo cấy lúa lai chiếm khoảng 10%. Song, lượng giống lúa lai sản xuất trong nước chỉ vào khoảng 30%, còn lại phải nhập khẩu 70%.
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, mặc dù Việt Nam tiếp cận các giống lúa lai từ những năm 1990 và đã cố gắng đầu tư nghiên cứu lúa lai nhưng chúng ta vẫn đi sau Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Hơn nữa, sản xuất giống lúa lai gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết nên các doanh nghiệp ngại đầu tư. Chính vì thế, bên cạnh nghiên cứu và sản xuất trong nước thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu giống lúa lai để đáp ứng nhu cầu.
Còn ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam, cho rằng khả năng phát triển nhanh lúa lai ở Việt Nam trong thời gian tới là không khả thi vì đã hơn 20 năm Việt Nam thử nghiệm và phát triển lúa lai, nhưng đa số các tổ hợp lai có mặt trong sản xuất vẫn là nhập từ Trung Quốc.
Mặc dù diện tích trồng lúa lai đang có xu hướng tăng, nhưng thực tế cho thấy hầu hết các tổ hợp nhập từ Trung Quốc cho năng suất không cao, nhiễm nặng sâu bệnh như bạc lá và rầy nâu, chất lượng thấp.
"Lúa lai có ưu thế chủ yếu là cho năng suất cao, nhưng trong thực tế lúa lai không có khả năng chịu hạn hoặc chịu sâu bệnh hơn lúa thuần, càng trồng lúa lai nhiều càng bị sâu hại lớn, đặc biệt các tổ hợp lúa lai của Trung Quốc. Hơn nữa năng suất lúa lai bình quân trồng ở Việt Nam chỉ cao hơn lúa thuần khoảng 10-15%" - ông Long nói.
Theo ông Quảng, Bộ NNPTNT vẫn xác định lúa lai là một sự lựa chọn, và nông dân căn cứ theo yêu cầu sản xuất và hiệu quả sản xuất để tự quyết định trồng giống lúa nào.
Hiện nay lúa lai chủ yếu tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, nơi có diện tích ít, để đảm bảo duy trì an ninh lương thực. Ngoài ra, một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Hà Nam vẫn dành một số diện tích trồng lúa lai vì lúa này phù hợp với vùng đất bị chua và vùng ngập mặn ven biển.
Trong tương lai, xu hướng lúa lai sẽ không chỉ tập trung vào năng suất mà cần phải nghiên cứu lai tạo các giống lúa lai vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, vừa có khả năng chống chịu sâu bệnh hoặc thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ NNPTNT đã đưa ra mục tiêu sẽ giảm lượng nhập khẩu giống lúa lai xuống chỉ còn 30% và tăng lượng cung ứng giống lúa lai trong nước lên 70%.
Theo ông Quảng, hiện nay Việt Nam đã tạo ra được gần 20 tổ hợp lúa lai. Năm 2014, cả nước sản xuất được 2.560 héc ta lúa lai F1, tăng 200 héc ta so với 2013, năng suất hạt giống lai đạt 2,5 tấn/héc ta.
"Dự kiến, năm 2015 nước ta sẽ đáp ứng 35% nhu cầu hạt giống lúa lai trong nước và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo" - ông Quảng khẳng định.