Được mệnh danh là ngôi chợ sỉ với các mặt hàng thời trang nổi tiếng trong cả nước, nhưng khi dự án mới đưa ra, toàn bộ khu chợ tổng diện tích 22.000 m2 sẽ được giải tỏa. Tiểu thương ở đây vô cùng bất ngờ và bức xúc khi nhận được thông tin này.
Một bầu không khí căng thẳng luôn bao trùm lên cả khu chợ Tân Bình. (ảnh: Zen Nguyễn)
Nhiều ý kiến cho rằng, dự án mới này đem lại bất lợi và thiệt hại lớn cho bà con đang buôn bán lâu nay ở chợ Tân Bình, trong khi giá chuyển nhượng các gian hàng tại chợ lên đến con số hàng tỷ đồng thì giá đền bù chỉ có 30 triệu/m2. Chưa kể đến tình hình kinh tế đang khó khăn khiến nhiều tiểu thương phải vất vả xoay trở tìm vốn, tìm mối đẩy hàng.
Chị Phượng, một tiểu thương ở chợ Tân Bình cho biết: “Tôi kinh doanh ở đây đã hơn 15 năm , trung bình mỗi sạp chuyển nhượng có giá từ 1 – 5 tỷ đồng. Với dự án mới này, chúng tôi chưa thấy lợi đâu nhưng hại trước mắt thì rõ ràng, khi phải đóng thêm 300 – 400 triệu đồng để thuê lại chỗ mới, thêm vào đó trong vòng 2 năm xây dựng, chúng tôi phải 'lưu lạc' sang nơi khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh. Điều tôi lo sợ nhất là sau khi xây chợ mới, nếu được cấp lại sạp hàng ở tầng lầu thì coi như chết chắc. Bởi thói quen người dân mình đi chợ rất ít khi leo lên lầu, chợ lại bán đồ sỉ số lượng nhiều, hàng hóa cồng kềnh lên xuống lầu sẽ vô cùng khó khăn. Với giá đền bù chỉ 30 triệu/m2 là quá thấp và không hợp lý để tôi có thể rời chợ tìm địa điểm khác tiếp tục kinh doanh”.
Chiều ngày 27/9, hàng trăm tiểu thương tiếp tục tập trung trước cổng chợ yêu cầu bỏ dự án xây chợ mới. (ảnh: Zen Nguyễn)
Nhiều tiểu thương khác lại cho rằng, khi xây dựng trung tâm thương mại mới sẽ dành lấy mặt tiền trên đường Lý Thường Kiệt của chợ Tân Bình truyền thống, đẩy khu chợ này vào những con đường nhỏ hẹp không còn được vị trí đẹp như hiện tại. Tình hình chợ tự phát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của bà con trong chợ. Hiện nay, ngoài khu vực chợ Tân Bình, trên các tuyến đường, vỉa hè xung quanh chợ đều hình thành những gian hàng “vệ tinh” với hàng hóa không thua kém gì các sạp hàng trong chợ nhưng giá cả lại rẻ hơn, do không phải trả phí mặt bằng.
Phối cảnh tổng quan dự án, Trung tâm thương mại mới nằm ở mặt tiền lấn chợ Tân Bình thành "sân sau".
Chị Hậu, chủ một sạp vải cho biết: “Hiện nay việc cạnh tranh với các gian hàng tự phát bên ngoài đã khó khăn. Để cạnh tranh được, tôi phải tăng cường công nợ (bán thiếu gối đầu) cho khách làm nguồn vốn lưu động ngày một cạn dần. Vậy mà giờ xây lại chợ mới thì không biết việc buôn bán sẽ khó thêm đến đâu nữa. Để có được địa điểm kinh doanh như hiện tại, gia đình tôi phải vay mượn cả tỷ đồng giờ chưa trả hết. Thực sự tôi rất hoang mang, việc kinh doanh mấy ngày qua của gia đình tôi hoàn toàn khó".
Phần lớn tiểu thương ủng hộ việc cải tạo, nâng cấp để chợ cũ được sạch đẹp, an toàn hơn là đập bỏ xây lại. Việc đập bỏ xây lại ngôi chợ này không những ảnh hưởng hơn 3.000 tiểu thương mà còn làm thay đổi cuộc sống của hàng chục ngàn lao động đang kiếm sống hằng ngày phụ thuộc vào chợ. Và thực tế, theo lý giải của nhiều người, một số ngôi chợ sau khi thành trung tâm thương mại hoặc xây mới đều rơi vào cảnh ế ẩm.
Anh Tạo, làm bốc vác ở chợ cho biết: “Nhà tôi 4 người tất cả đều trông chờ vào công việc của tôi, dù lương không cao nhưng vẫn đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chợ đập đi xây lại, chủ hàng thì chưa biết đi hay ở làm cho tôi rất lo lắng. Bốc vác ở đây đã gần 30 năm, quen việc, quen chủ hàng, giờ mà đi làm chỗ khác tôi chưa biết sẽ ra sao”.