Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chi phí tăng
Theo Nghị định 147, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/KWh lên 36 đồng/KWh. Trong khi đó, báo cáo về việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng ghi nhận chi phí sản xuất điện có xu hướng tăng nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện.
Trong 5 năm tới, Việt Nam cần 40 tỉ USD đầu tư cho ngành điện Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, phân tích cơ cấu điện sản xuất cho thấy tỉ trọng điện sản xuất của các nguồn điện có giá thành cao, như nhiệt điện than BOT, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo tăng cao và đến năm 2020, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 34% tổng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống. Đặc biệt, đến năm 2025, có thể lên tới 60% và đến năm 2030 là 55%-56%. Đáng lưu ý, tỉ trọng này có thể cao hơn nếu một số dự án tiếp tục được đầu tư theo hình thức BOT.
Báo cáo về việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng nêu rõ trong thời gian tới, điện sản xuất toàn quốc chủ yếu từ các nhiệt điện than với tỉ trọng tăng từ 34% (2015) lên 49% (2020), 55% (2025) và đến năm 2030 là 42%. Ngược lại, tỉ trọng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện vừa và lớn giảm từ 30,6% năm 2015 xuống 30% năm 2020, 17,4% năm 2025 và đến năm 2030 chỉ chiếm 16,9%. Sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm từ 29% năm 2015 xuống 15%-20% trong thời gian tới.
Đáng nói hơn, sản lượng điện nguồn năng lượng tái tạo tăng từ gần 3,6% năm 2015 lên 6,5% năm 2020, 7% năm 2025 và 10,7% năm 2030. Tỉ lệ tăng trưởng này nhằm bảo đảm mục tiêu 27.000 MW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, đồng thời cũng nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân, chuyên gia về việc tăng cường năng lượng sạch, giảm tác động đến môi trường. Song, đây lại là nguồn điện rất đắt vì suất đầu tư lớn, đòi hỏi chi phí giải phóng mặt bằng cao.
Nhu cầu đầu tư lớn
Ở khía cạnh khác, theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Với quy hoạch này, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa thêm 21.650 MW vào hệ thống. Tính ra, phải có 1.800 MW điện từ BOT, số còn lại phải giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
“Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm tới của các nhà máy điện là gần 30 tỉ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Như vậy, tổng vốn cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỉ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỉ USD. Với số tiền này, khi làm Quy hoạch điện VII, các chuyên gia tính toán đủ để cung ứng điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc dự phòng thấp nên đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm để giảm đầu tư vào lưới điện, giảm rủi ro mất cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, vẫn đòi hỏi ngành điện đầu tư đủ cho nhu cầu điện” - ông Phúc nhìn nhận.
Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng nhận định đầu tư vào ngành điện là vấn đề cần quan tâm hiện nay. “Mỗi năm, Việt Nam cần 5 tỉ USD để truyền tải và phát điện, hy vọng thu hút được 70% từ tư nhân. Với giá điện hiện nay, để thu hút được như vậy là khó. Về giải pháp, tiêu thụ năng lượng tiết kiệm là rất quan trọng và ít tốn kém nhất để chúng ta có thể tránh được những đợt tăng giá điện mới” - chuyên gia đến từ WB chỉ ra.
Ông Đinh Thế Phúc cho rằng dù Bộ Công Thương và ngành điện nỗ lực đáp ứng được nhu cầu điện nhưng vẫn cần phía khách hàng ý thức sử dụng điện tiết kiệm, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu. Trong đó, các hộ sử dụng điện nhiều để sản xuất cần lưu ý vấn đề cải thiện công nghệ.
Thoái vốn để thu hút đầu tư TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thoái vốn nhà nước trong ngành điện cũng là giải pháp cần quan tâm. Nhà nước có thể bán bớt, dùng vốn đó để đầu tư vào dự án khác. Ông Đinh Thế Phúc đề xuất nguồn điện không nên quá tập trung vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài những dự án chiến lược phải do EVN nắm giữ thì một số khác nên chuyển chủ sở hữu, có kế hoạch cổ phần hóa. |