Vì sao thịt bò ngoại chiếm lĩnh thị trường? 

Do cung - cầu "lệch pha"  nên Việt Nam không ngừng nhập khẩu bò từ các nước. Thịt bò ngoại chiếm tỷ lệ cao trên thị trường và dự báo trong thời gian tới khả năng nhập bò thịt từ các nước vẫn tiếp tục tăng.

Thịt bò nội "hụt hơi"
Những năm gần đây, tổng đàn bò thịt của Việt Nam liên tục giảm, từ mức 7 triệu con giảm còn 5 triệu con. Trong đó, mô hình chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ và thiếu những trang trại có quy mô lớn. Chính vì chậm phát triển bò thịt nội địa nên thị trường trong nước đang phải chứng kiến bò ngoại ồ ạt nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2013, tổng lượng trâu bò nhập khẩu ước tính khoảng 150.000 con. Năm 2014, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập 72.000 con bò Úc. Tính đến hết năm 2014 con số này sẽ tăng lên hơn 150.000 con. Không chỉ là bò thịt xuất xứ từ Úc nhập khẩu chính ngạch, thị trường cũng chứng kiến một lượng lớn bò thịt nhập khẩu tiểu ngạch. Cụ thể, bò từ Lào, Campuchia và Myanmar cũng thi nhau tìm đường vào Việt Nam thông qua của khẩu Lao Bảo, Tịnh Biên, Tri Tôn…
Ước tính mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò thịt, trong đó riêng TP. HCM là khoảng 600 con. Tuy nhiên, lượng thịt bò trên thị trường TP. HCM xuất xứ từ Úc là lớn nhất. Bởi nhu cầu đã vượt khá xa so với khả năng cung ứng nội địa nên các doanh nghiệp, thương lái phải nhập khẩu bò thịt. Một số tiểu thương cho biết, thịt bò Úc cao hơn giá thịt bò trong nước từ 3 - 5% là do chất lượng của thịt này, dao động từ 280 - 320 ngàn đồng/kg.
Không chỉ được bày bán ở các cửa hàng, quán ăn, sản phẩm thịt bò Úc hiện đang bán phổ biến ở hầu hết chợ truyền thống, các siêu thị trên địa bàn TP. HCM. "Giờ khó mà mua được bò nội địa, hầu hết thịt bò trên thị trường là bò ngoại nhập", bà Vy Hồng Hoa, tiểu thương chợ Phú Lâm (quận 6) khẳng định.
Là DN sản xuất thực phẩm tươi sống, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, từ tháng 9 - 2013 Vissan phải nhập khẩu bò thịt từ Úc. Theo thống kê, mỗi ngày Vissan giết mổ 40 con bò Úc. Ngoài bò thịt trong nước thì bò Úc được xem là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lý giải nguyên nhân nhập khẩu bò ngoại tăng, bà Lâm Thị Quỳnh Anh, đại diện Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế cho rằng, ngoài tình trạng tổng đàn bò đang giảm về lượng thì giá thịt bò nhập khẩu thấp, tạo điều kiện để Việt Nam nhập khẩu bò ngoại. "Dự báo, nếu như hiệp định TPP được ký kết thì nguy cơ gia súc của các nước sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Đây chính là nghịch lý cần phải xem xét lại vì Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế nông nghiệp", bà Anh lo lắng. Trước tình trạng bò ngoại chiếm lĩnh thị trường và nguy cơ làm chủ phân khúc tiêu dùng này, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. HCM kêu gọi các tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi (TP. HCM) cần phát triển và liên kết trong chăn nuôi bò nhằm đáp ứng cho thị trường tiềm năng hiện nay. Bởi Tây Ninh và huyện Củ Chi là "cái nôi" phát triển tốt ngành này.
Liên kết phát triển thịt bò nội
Xác định rõ tầm quan trọng trong việc chủ động nguồn nguyên liệu cũng như hiệu quả từ sự liên kết kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cho DN trong nước mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ký kết hợp tác với công ty Vissan, công ty Nutifood về việc cung cấp và bao tiêu nguyên liệu. Nói về hợp tác kinh doanh trên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL cho rằng: "Đây sẽ là liên doanh mạnh nhất của ba công ty lớn, là tiền đề quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. Dự kiến, tổng số vốn hợp tác kinh doanh của 3 "ông lớn" ở mức 12 ngàn tỷ đồng.
Thực tiễn kinh tế hiện nay đòi hỏi các DN phải nhận thức về sự liên kết lẫn nhau. Sự liên kết giữa một sân chơi chung góp phần làm nên chuỗi giá trị sản phẩm thuần Việt chất lượng nhằm cải thiện sức cạnh tranh của DN. Hy vọng trong tương lai sẽ hình thành nên một ngành chăn nuôi bò thịt với quy mô công nghiệp cung cấp nguồn thịt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước thay vì phải nhập khẩu.