Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ vai trò là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với giá dầu.
Theo tờ Business Week, với dự trữ 266 tỷ thùng dầu, khả năng sản xuất 12,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, và quan trong hơn cả là khả năng sản xuất dầu với chi phí thấp, Saudi Arabia vẫn là một đối thủ đáng gờm đối với nước Mỹ trong ngành công nghiệp dầu lửa, trong bối cảnh loại dầu mà Mỹ khai thác là dầu đá phiến, đòi hỏi sự đầu tư tốn kém để bơm lên mặt đất.
"Saudi Arabia là quốc gia duy nhất ở vị thế muốn tăng sản lượng dầu là tăng được ngay, và muốn giảm sản lượng dầu cũng giảm được ngay", chuyên gia cao cấp Edward Chow thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, đánh giá.
Hiện nay, Saudi Arabia vẫn là thành viên quyền lực nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), nhóm với 12 thành viên ngày càng có sự cạnh tranh cao với ngành dầu lửa của Nga, Mỹ và Canada.
Tháng 9 vừa qua, bất chấp sự dư thừa nguồn cung dầu lửa toàn cầu do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự gia tăng chóng mặt của sản lượng dầu của Mỹ, Saudi Arabia vẫn tăng sản lượng thêm 0,5%, lên mức 9,6 triệu thùng/ngày, nâng tổng sản lượng dầu của OPEC lên mức cao nhất trong 11 tháng là khoảng 31 triệu thùng/ngày.
Sau đó, đến ngày 1/10, Saudi Arabia khiến giá dầu giảm bằng cách tăng mức chiết khấu cho các khách hàng lớn ở khu vực châu Á. Theo cách hiểu thông thường, lẽ ra Saudi Arabia phải cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu. Nhưng thay vào đó, người Saudi Arabia đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, họ quyết tâm bảo vệ thị phần của mình, đặc biệt tại các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc trước nguồn cung dầu từ Nga, Mỹ Lantin, và các đối thủ châu Phi. Iraq và Iran cũng đi theo cách làm của Saudi Arabia.
Thông tin này đẩy giá dầu vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market). Giá dầu thô Brent lao dốc từ mức 115,71 USD/thùng vào ngày 19/6 xuống còn 82,6 USD/thùng vào ngày 16/10, mức thấp nhất trong 4 năm qua, khi các nhà đầu tư nhận ra rằng, các nước sản xuất dầu lớn sẽ không cắt giảm sản lượng.
"Có vẻ như OPEC đang lên dây cót cho một cuộc chiến giá dầu", ông Eugen Weinberg, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng Commerzbank, nhận xét hôm 2/10.
Xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 85% nguồn thu của Chính phủ Saudi Arabia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, nước này cần giá dầu hàng năm trung bình ở mức ít nhất 83,6 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia. Giá dầu thô Brent từ đầu năm đến nay trung bình ở mức 106 USD/thùng, vẫn cao hơn nhiều so với mức cân bằng mà Saudi Arabia cần.
Một nhà ngoại giao nước ngoài làm việc ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, nhận định, nước này hài lòng nhất với giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Tuy vậy, mức giá hiện nay không hề khiến Saudi Arabia quan ngại bởi họ có sức mạnh tài chính.
Theo nhà ngoại giao này, một lý do khiến Saudi Arabia đẩy giá dầu giảm là họ nhận thức được rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang mong manh và giá dầu rẻ có thể sẽ giúp nền kinh tế các nước khách hàng phục hồi nhanh hơn.
Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, giá dầu giảm 10% thì lượng dầu tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng thêm 0,15%, tương đương lượng cầu tăng thêm 500.000 thùng/ngày. Còn theo ngân hàng Citigroup, giá dầu rẻ đi 20% so với mức giá trung bình của 3 năm qua sẽ tương đương với một gói kích thích trị giá 1,1 nghìn tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Bruce Jones, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Brookings ở Washington, nhấn mạnh, với dự trữ ngoại hối 735 tỷ USD, Saudi Arabia có khả năng chống chọi với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài tốt hơn so với các quốc gia đối thủ khác. Một cuộc chiến giá dầu có thể dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia có vấn đề về ngân sách. Theo IMF, Iran - vẫn đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu - cần mức giá 153,4 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
"Chắc chắn Saudi Arabia sẽ mừng thầm khi biết Iran gặp khó khăn", ông Reva Bhalla, Phó chủ tịch phân tích thuộc công ty tư vấn Stratfor, đánh giá.
Về phần mình, Nga cần giá dầu 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Ông Maxim Oreshkin, trưởng bộ phận kế hoạch chiến lược thuộc Bộ Tài chính Nga, cho biết, cứ mỗi 1 USD/thùng giảm xuống trong giá dầu dưới 100 USD/thùng, ngân sách nước này lại thiệt hại thêm khoảng 2 tỷ USD.
Một câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu tình trạng giá dầu giảm kéo dài có ảnh hưởng xấu như thế nào tới cuộc khai thác dầu đá phiến (shale oil) đang bùng nổ ở Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để lấy dầu ra khỏi những lớp đá phiến ở độ sâu hàng dặm bằng công nghệ thủy phân (hydraulic fracturing) và khoan ngang (sideways drilling), chi phí mà Mỹ phải bỏ ra là 50-100 USD/thùng. Trong khi đó, chi phí để khai thác dầu ở Trung Đông và Bắc Phi chỉ là 10-25 USD/thùng.
Giới phân tích hiện vẫn tranh cãi về điểm hòa vốn đối với dầu đá phiến của Mỹ. IEA cho rằng, chỉ 4% sản lượng dầu đã phiến của Mỹ cần mức giá 80 USD/thùng, trong khi công ty tư vấn Sanford C. Bernstein cho rằng, tỷ lệ này phải là 1/3. Dầu đá phiến chiếm 55% sản lượng dầu của Mỹ.
Giếng đá phiến sẽ cạn nhanh hơn giếng dầu thông thường, do đó công ty khai thác dầu ở Mỹ phải tìm đủ trữ lượng dầu mới để thay thế phần sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày mà các giếng dầu đá phiến đã cạn không còn cung cấp. Làm vậy cũng chỉ mới đủ để giữ sản lượng dầu hàng năm của nước Mỹ đi ngang.
Chính sách giá dầu của Saudi Araba đang khiến các thành viên yếu hơn của OPEC bị tổn thương. Venezuela đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của nhóm này để tìm cách đẩy giá dầu lên. Tuy vậy, đề xuất của Venezuela đã bị Saudi Arabia và Kuwait phớt lờ. Hai nước này nói không có ý định thay đổi tình thế trước khi diễn ra cuộc họp tiếp theo của OPEC vào ngày 27/11.