Vì sao OPEC quyết hạ giá dầu?

Nếu bạn đã từng nghi ngờ về chiến lược của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các thành viên giàu có nhất của OPEC đang đưa cho bạn câu trả lời rõ ràng nhất.

Trong suốt 6 tuần qua, các đại diện của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) và Kuwait đã nhiều lần nhấn mạnh rằng OPEC sẽ không giảm sản lượng để giá dầu ngừng giảm.

Theo các ngân hàng Barclays Plc và Commerzbank AG, thực chất thì các nước này muốn giá giảm sâu hơn nữa nhằm gây áp lực lên các nhà sản xuất dầu từ đá phiến sét của Mỹ. Và, có vẻ như họ đang dần dần đạt được mục tiêu.
Giá dầu thô đã giảm 48% trong năm ngoái và 34% kể từ khi OPEC kiên quyết giữ vững mục tiêu sản lượng hôm 27/11. Quyết định này - mặc dù sẽ khiến nguồn thu ngân sách của OPEC bị ảnh hưởng - hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ thị phần trong tương lai.
Jamie Webster, chuyên gia phân tích đến từ IHS Inc., nhận định giá càng giảm nhanh, thị trường càng sớm chứng kiến phản ứng của các nhà sản xuất Mỹ. "Đó chính là kỳ vọng của OPEC. Tôi chưa bao giờ thấy thời điểm nào mà một vài thành viên của OPEC lại chủ động đẩy giá xuống như hiện nay", ông nói.
Tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ ở mức 9,13 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1 triệu thùng so với cách đây 1 năm và tăng thêm 49.000 thùng so với thời điểm cuộc họp của OPEC diễn ra hồi tháng 11. Kỹ thuật khai thác mới đã giúp sản lượng tăng thêm 66% trong 5 năm qua. Xuất khẩu - vẫn đang bị hạn chế bởi luật lệ - chạm mức cao kỷ lục 502.000 thùng/ngày trong tháng 11.
4 nước Trung Đông thuộc OPEC vẫn đang dựa vào số tài sản dự trữ trị giá 826,4 tỷ USD (theo ước tính của IMF) để chịu đựng đà lao dốc của giá dầu. Xăng dầu chiếm khoảng 63% kim ngạch xuất khẩu của các nước này.
Giá giảm sẽ khiến 12 nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015, theo ước tính của EIA. Có tới 93% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trong vòng 5 năm tới, theo công ty dữ liệu CMA.
Hôm 21/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi tuyên bố quyết sẽ giữ vững lập trường kể cả khi giá dầu rơi xuống 20 USD/thùng hoặc các nước ngoài OPEC chọn phương án cắt giảm sản lượng. Thậm chí nếu các nước này cắt giảm, Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng.
Phát biểu hôm 14/12, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei cũng tuyên bố sẽ không cắt giảm sản lượng kể cả khi giá dầu giảm và sẽ đợi ít nhất 3 tháng trước khi xem xét về một cuộc họp khẩn cấp.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait thì cho rằng giá sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm vì những nhà sản xuất chịu chi phí cao nhất buộc phải thu hẹp hoạt động.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất Mỹ lâm vào một cuộc chiến thị phần với OPEC. Năm 1986, Saudi Arabia "mở van dầu" và khiến giá lao dốc tới 67% trong 4 tháng, xuống gần mức 10 USD/thùng. Toàn bộ ngành công nghiệp của Mỹ đã sụp đổ và Saudi lấy lại được vị thế dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Chuyên gia phân tích Miswin Mahesh đến từ ngân hàng Barclays cho rằng dường như OPEC muốn giá lao dốc nhanh chóng thay vì giảm từ từ. Giá lao dốc sẽ tác động nhiều hơn đến các nhà sản xuất ngoài OPEC, trong khi giá giảm từ từ giúp các công ty này "nổi lên và hoạt động hiệu quả hơn".
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có cùng quan điểm như trên. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho rằng khiến giá đột ngột giảm giá không phải là một chiến lược hiệu quả bởi cung và cầu phản ứng quá chậm với biến động giá trong ngắn hạn.
Trong những năm 1980 và 1990, các bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia cũng đã cố gắng dùng những lời bình luận và phát biểu để ép giá giảm nhằm gây các lực buộc các nước OPEC khác đồng ý thay đổi hạn ngạch.
Dẫu vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy phương pháp tiếp cận của OPEC đang bắt đầu phát huy tác dụng. Đầu tư vào dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm mạnh trong năm 2015.